Mặc cho những ứng dụng phục vụ ship đồ ăn tới tận cửa nhà đang ngày một phổ biến, trải nghiệm được tự mình đi thăm thú và thưởng thức bữa ăn ngay tại hàng quán vẫn được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đặc biệt, đó là công việc chính của những food blogger toàn thời gian, thu hút hàng triệu người follow trên Facebook/Instagram. Bên cạnh tài năng săn tìm những đồ ăn độc lạ, tài chụp ảnh của họ cũng chưa bao giờ khiến fan phải thất vọng, đến độ nhiều người phải thắc mắc liên hồi.
Tin tốt đây, không có phép màu ảo diệu nào đâu, tất cả là bởi họ rất biết cách tận dụng kiến thức chụp ảnh của mình, khiến cho mỗi bức hình ra lò đều mang vẻ vừa sang mồm lại vừa sang mắt. Cùng tìm hiểu xem 3 mẹo hữu ích nhất được thường được dùng khi chụp ảnh đồ ăn là gì nhé!
1. Chụp ảnh Flatlay
Thuật ngữ Flatlay đã nổi lên từ cách đây một thời gian đáng kể, đủ để các tín đồ ăn uống hay thời trang đã ít nhiều được nghe về nó. Nói nôm na, đây là cách thức chụp ảnh gần như thẳng đứng theo góc từ trên xuống, ít đổ bóng, khiến toàn bộ bức ảnh trông như thể một bức tranh phẳng với những vật thể 2D đính kèm trên đó vậy. Phương pháp này cũng được dùng nhiều nhất khi chụp ảnh đồ ăn nói chung trên thế giới.
Ví dụ điển hình cho Flatlay.
Ưu điểm của Flatlay là bố cục và màu sắc của ảnh sẽ được bài trí dễ dàng hơn, dễ dàng chỉnh sửa các nhân tố tham gia trong khung hình - chẳng hạn như vị trí, khoảng cách giữa các món ăn - mà không mất công thay đổi hoặc sắp xếp quá nhiều. Điểm trừ là việc không có hiệu ứng xóa phông, do chiều sâu của các vật thể hoàn toàn như nhau, chỉ hiện diện trên cùng một mặt phẳng (flat). Tuy nhiên điều này lại giúp cho mọi thứ đều rõ nét tương đương, thu hút điểm nhìn của người xem một cách đều đặn và hài hòa hơn.
2. Chụp cận cảnh, làm nổi món chủ đạo
Đây sẽ là mẹo được áp dụng khi khung cảnh chung không quá bắt mắt để đưa toàn bộ các vật thể vào cùng khung hình rộng. Khi ấy, việc chọn 1-2 món ăn chủ đạo, bày biện ngon mắt nhất để làm chủ thể chính sẽ khôn ngoan và nịnh mắt hơn rất nhiều.
Bất kể là smartphone hay máy ảnh, chỉ cần zoom hoặc di chuyển ống kính vào món ăn muốn làm nổi bật là đã xong 70% công đoạn chuẩn bị bấm máy rồi. Tiếp theo, hãy cùng hoàn thiện để cầu toàn hóa bức ảnh một chút, ví dụ như chọn góc nghiêng (để có thể điểm xuyết background nền bàn phía sau), tránh các chướng ngại vật có thể che tầm nhìn (lọ hoa, cây cảnh cao quá đầu người), tận dụng hiệu ứng xóa phông nếu có... Như vậy, làm sao cho khung cảnh chính được dành trọn vẹn cho món ăn chủ đạo, kết quả sẽ đi vào lòng người.
Không gian không quá rộng và đẹp, hãy tận dụng góc nghiêng, chụp cận cảnh , kèm theo hiệu ứng xóa phông để chủ thể nổi bật nhất.
3. Chụp Panorama toàn cảnh
Nếu Flatlay đã là ảnh góc rộng để lấy cả bàn, thì chụp toàn cảnh theo chế độ Panorama còn rộng hơn nhiều thế nữa. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho những bữa tiệc lớn, có bàn dài, nhiều dãi đồ ăn hoặc buffet tiệc đứng đúng nghĩa.
Nếu đã từng dùng thử chế độ Panorama, chắc hẳn ai cũng biết sẽ cần công đoạn lia máy theo một đường ngang/dọc để tạo ảnh trải dài theo chiều đó. Vì thế, việc chụp theo góc thẳng đứng của Flatlay hay góc nghiêng cận cảnh là rất khó, cho nên Panorama chỉ phù hợp với góc chụp lia ngang song song với bàn ăn. Như vậy, tất cả các món được bày biện khi đó sẽ lọt đủ vào khung hình, toát lên vẻ sang trọng và "phồn thực" đúng như những gì cần truyền tải.
Ảnh toàn cảnh một bàn tiệc.
Nếu có ý định trở thành một food blogger hoặc đơn giản là thể hiện kỹ năng chụp ảnh sống ảo thần sầu cho mỗi bữa ăn, đừng quên lưu lại bài viết này và áp dụng ngày khi có thể nhé. Chẳng cần máy ảnh xịn, hãy cứ kiên trì tập tành với bất kỳ một chiếc smartphone nào là quá đủ rồi. Chúc các bạn thành công!