Mới đây, đồng nghiệp của tôi 27 tuổi có dấu hiệu nói khó, yếu nhẹ nhưng không đi bệnh viện. Ngày hôm sau, bệnh tiến triển gây liệt nửa người và không nói được. Lúc này, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và nhận chẩn đoán nhồi máu não. Cậu ấy không có tiền sử bệnh gì. Xin chuyên gia tư vấn những ai có nguy cơ đột quỵ, cách phát hiện bệnh sớm nhất? Tôi cảm ơn! (Hà Thu Hằng - Cầu Giấy, Hà Nội).

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tư vấn:

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. 

Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 ca mới, hơn 11.000 người tử vong và 100.000 người bị tàn phế do đột quỵ. Tỷ lệ tái phát đột quỵ từ 15-40%. Xu hướng của bệnh đã thay đổi, trước đâu chủ yếu xảy ra ở người trên 60 tuổi. Hiện nay, bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ, thậm chí dưới 20 tuổi. 

benh nhân đột quỵ 2.png
Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Nguy cơ đột quỵ có hai nhóm khác nhau:

Nhóm 1: Không thể can thiệp như tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng cao.

Nhóm 2: Có thể can thiệp được bằng cách sử dụng thuốc, điều trị ổn định các bệnh lý huyết áp, van tim, loạn nhịp tim (rung nhĩ). Nếu bị các tình trạng trên, người bệnh tuyệt đối không được bỏ thuốc điều trị.

Người béo phì, thừa cân, lười vận động cần thay đối lối sống, giảm cân, ăn uống khoa học và tăng thời gian luyện tập trong tuần.

Hiện nay, chuyên ngành đột quỵ trên thế giới đã xây dựng quy tắc rất dễ nhớ để cảnh báo các dấu hiệu sớm giúp cộng đồng có thể phát hiện và đưa người bệnh đi can thiệp. Quy tắc được viết tắt là FAST:

- F (Face - Mặt): Miệng người bệnh đột ngột méo 1 bên, cười méo miệng, lệch.

- A (Arms - Cánh tay): Ty chân tê bì, yếu liệt một bên hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua cao khỏi đầu, nâng thẳng tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức.

- S (Speech - Lời nói): Bệnh nhân ngọng hoặc không thể nói được ngay kể cả những từ đơn giản.

- T (Time - thời gian): Yếu tố này vô cùng quan trọng. Người bệnh đến bệnh viện cần xác định rõ thời gian bắt đầu xảy ra cơn đột quỵ để bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị tối ưu nhất. 

Trong cộng đồng, bạn cần nhớ rõ 3 dấu hiệu và yếu tố thời gian để cấp cứu đột quỵ kịp thời nhất. Mỗi phút đối với người  đột quỵ rất quý giá, việc điều trị sớm có thể giảm thiểu tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh phải được đưa đi cấp cứu ngay, không chờ đợi hay sử dụng các biện pháp dân gian để sơ cứu.

Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như đau đầu đột ngột, chóng mặt mất thăng bằng, tê bì tay chân, rối loạn nuốt… 

Video sơ cứu bệnh nhân đột quỵ