Ngay cả khi chưa nghe đến thuật ngữ “kinh tế chia sẻ”, bạn vẫn đang sử dụng dịch vụ của nó hàng ngày đó thôi: đi lại bằng GrabBike, gọi thức ăn qua GrabFood…
“Kinh tế chia sẻ” (sharing economy) khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng, kết hợp với công nghệ để tạo thành một mô hình kinh doanh. Với nhiều ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, giá cả hợp lý, tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi, giảm thiểu khai thác mới tài nguyên nên góp phần bảo vệ môi trường, kinh tế chia sẻ ngày càng “được lòng” người tiêu dùng - nhất là những người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1980 - 1995) và Gen Z (1996 - 2000).
Ba “mặt trận” quyết định
Mức độ tiện ích của dịch vụ, giá cả, và thương hiệu là ba yếu tố được mỗi người tiêu dùng cân nhắc trước khi quyết định sử dụng sản phẩm.
Mức độ tiện ích
Theo khảo sát của Vision Critical, một tổ chức nghiên cứu khách hàng uy tín, mức độ tiện ích chính là yếu tố quyết định lựa chọn của 78% người tiêu dùng.
Khi ta có thể ngồi tại phòng làm việc máy lạnh mà đặt món ngon trên GrabFood chỉ bằng vài thao tác bấm điện thoại, rồi thanh toán trong nháy mắt bằng ví Moca… thì ai còn muốn đội nắng mưa đi hàng cây số mua hàng, trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản từ ngân hàng rất lỉnh kỉnh, tốn thời gian?
Tối ưu hoá sự tiện lợi của dịch vụ chính là chìa khoá thành công cho doanh nghiệp.
Giá cả
Giá rẻ ai mà không thích. Đã qua rồi thời “của rẻ là của ôi”, người tiêu dùng thông minh ngày nay luôn biết cách tìm đến dịch vụ tốt với giá cả phải chăng.
Khảo sát của Vision Critical cho thấy hơn 50% người tiêu dùng truyền thống sẵn sàng chọn sản phẩm của kinh tế chia sẻ, nếu nó giúp họ tiết kiệm 25%. Giá cả còn đóng vai trò quan trọng hơn trong quyết định mua hàng của Millennials và Gen Z.
Thương hiệu
Đây là “mặt trận” mà các doanh nghiệp truyền thống, có uy tín lâu năm vẫn đang giữ lợi thế. Người tiêu dùng, dù trẻ hay già, thích thể nghiệm cái mới hay trung thành với thói quen, đều tin tưởng những thương hiệu quen thuộc, chất lượng. Thế nên, nếu bạn đang sở hữu một thương hiệu mạnh, thì hãy không ngừng gìn giữ và phát huy tài sản vô giá này.
Còn các startups trẻ trung hiểu rõ sức mạnh thương hiệu hơn ai hết. Không ít thương hiệu ra đời chưa lâu, nhưng đã khiến người tiêu dùng gọi tên mình ngay khi nghĩ đến một ngành hàng như gọi Grab khi cần dịch vụ di chuyển …
Mức độ tiện ích của dịch vụ, giá cả, và thương hiệu là ba yếu tố được mỗi người tiêu dùng cân nhắc trước khi quyết định sử dụng sản phẩm. |
Khách hàng - “chìa khóa” vạn năng
Dù chọn “mũi nhọn tiến công” trên “mặt trận” nào, doanh nghiệp cũng phải đặt khách hàng vào vị trí trung tâm. Doanh nghiệp cần thấu hiểu cặn kẽ thái độ, sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó, tạo ra sản phẩm, dịch vụ “gãi đúng chỗ ngứa” cho họ.
Chính thị hiếu khách hàng quyết định chiến lược của doanh nghiệp.
Chưa bao giờ người tiêu dùng được trao quyền đối với thương hiệu như ngày nay. Không chỉ là Thượng đế trừu tượng và xa xôi, khách hàng hiện đại “thể hiện quyền lực” bằng những đánh giá, bình luận (review) rất cụ thể, đập ngay vào mắt người xem trước khi họ quyết định có sử dụng dịch vụ hay không.
Thật không quá lời khi ví von “Đánh giá của khách hàng chính là loại tiền tệ mới”. Những nhận xét “5 sao” trên mạng rõ ràng là làm giàu thêm cho nhãn hàng, còn “1 sao” hàng loạt là tín hiệu báo trước khủng hoảng.
Không thể cưỡng lại xu thế tất yếu
Muốn nâng cao mức độ tiện ích cho sản phẩm, giảm giá thành, tăng uy tín cho thương hiệu, phục vụ khách hàng tốt hơn, các doanh nghiệp ngày nay không có lựa chọn nào khác là phải linh hoạt ứng dụng công nghệ, tận dụng tài nguyên nhàn rỗi trong cộng đồng, tương tác tích cực với người tiêu dùng qua các kênh thông tin đa dạng…
Rõ ràng, đây là hướng đi của kinh tế chia sẻ. Nói cách khác, muốn cạnh tranh tốt, giữ vững thị phần, mọi doanh nghiệp sớm muộn gì cũng phải chuyển mình thành một phần của nền kinh tế chia sẻ.
Những tên gọi khác của kinh tế chia sẻ là “kinh tế theo cầu” (on-demand economy), kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế truy cập (access economy) … cũng đủ nói lên những đặc tính, ưu điểm vượt trội của xu hướng này. Sao có thể chối từ đáp ứng nhu cầu thị trường, cơ hội cộng tác và kết nối rộng rãi khi muốn làm ăn giữ thời đại 4.0?
Chỉ có một con đường để tồn tại và phát triển: nâng cấp dịch vụ, ứng dụng công nghệ để hoà nhập cùng nền kinh tế chia sẻ.
Hồng Nhung