Lời toà soạn: 

Trong kì nghỉ hè, nhiều bạn nhỏ đã có chuyến du lịch đặc biệt cùng cha mẹ, ông bà như đạp xe xuyên 4 quốc gia, phượt xuyên Việt… 

Hơn cả một chuyến đi, đây là dịp để kết nối gia đình, cho con tìm hiểu lịch sử, địa lý, trải nghiệm những hoạt động lí thú giúp con học hỏi được nhiều điều và trưởng thành hơn. 

Mục Du lịch báo VietNamNet xin giới thiệu những chuyến du lịch hè ý nghĩa của các bạn nhỏ tại tuyến bài “Hè cùng con du lịch, hơn cả một chuyến đi”.

TUYẾN BÀI: HÈ CÙNG CON DU LỊCH, HƠN CẢ MỘT CHUYẾN ĐI

Hành trình xóa bỏ khoảng cách giữa cha và con

“Sau chuyến hành trình cùng ba, em trò chuyện nhiều hơn, thoải mái hơn với ba, dễ dàng bày tỏ những điều em mong muốn”, chàng trai 17 tuổi Thiều Sĩ Dương chia sẻ về chuyến đi xuyên Việt từ Bình Dương ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc rồi vòng ngược lại với hơn 6.000 km trong kì nghỉ hè vừa qua.

"Chuyến đi này em ngồi sau lưng ba. Sau này, khi trưởng thành, em sẽ chở ba sau lưng, tiếp tục những hành trình”, Sĩ Dương bày tỏ ước mơ.

Dương hiện là học sinh lớp 11 Anh trường THPT chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước. Do học trường chuyên xa nhà, mỗi tháng, em chỉ có 2,3 chuyến về thăm ba mẹ. Ba của Dương là ông Thiều Sĩ Nghĩa (50 tuổi), giáo viên giảng dạy môn lịch sử cấp hai.

"Ít có thời gian về thăm nhà, thường chỉ nói chuyện với ba mẹ qua những cuộc điện thoại ngắn hay tin nhắn nên có khoảng thời gian, em cảm thấy khó tâm sự, bày tỏ suy nghĩ với ba”, Dương chia sẻ.

Khi nhận thấy “khoảng cách thế hệ” với con trai, ông Nghĩa ấp ủ kế hoạch chở con đi xuyên Việt. Ông muốn hai ba con có thêm thời gian bên nhau, cùng con khám phá để mở mang tầm mắt, có một mùa hè thú vị trước khi bước vào giai đoạn cuối cấp căng thẳng. Để chuẩn bị cho hành trình, đầu năm 2023, ông Nghĩa mua một chiếc mô tô 155 cc. Ông tự tập luyện điều khiển chiếc xe. Tới tháng 5, ông gọi điện nói với con trai về kế hoạch xuyên Việt.

"Lúc nghe ba nói, em bất ngờ, thích thú lắm nhưng em chỉ nghĩ hai ba con đi đâu đó ngắn ngày như những năm trước. Khi đó, mẹ em cũng chưa đồng ý. Em nghe nói, ba đã phải thuyết phục mẹ nhiều lắm”, Sĩ Dương kể.

Hai ba con ông Sĩ Nghĩa và Sĩ Dương trên hành trình xuyên Việt

Trở về nhà khi kì nghỉ hè tới, Dương thấy ba đã chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho chuyến xuyên Việt, từ dụng cụ sửa chữa xe, vật dụng sinh hoạt cá nhân… Ông Nghĩa lên các hội nhóm du lịch để tham khảo lịch trình, tuyến đường, địa điểm tham quan, dừng nghỉ…

4h sáng ngày 4/6, hai ba con bắt đầu hành trình xuyên Việt. Mục tiêu của họ là trong vài ngày đầu, khi sức khỏe còn rất tốt, họ sẽ từ Bình Dương ra tới quê nhà Thanh Hóa - nghỉ ngơi, thăm bà con trước khi tập trung chinh phục Tây Bắc, Đông Bắc. Hành trình trở về, hai ba con tiếp tục đi theo đường quốc lộ 1A, bám cung ven biển nhưng dành nhiều thời gian vui chơi, khám phá hơn.

Ngày đầu tiên, ông Nghĩa lái mô tô từ Bình Dương ra tới Nha Trang. Dù vẫn tập luyện thể thao, đạp xe hàng chục km mỗi ngày nhưng lần đầu đi mô tô đường dài, ông Nghĩa không tránh khỏi cảm giác ê ẩm, đau lưng. Dẫu vậy, khi thấy con trai hào hứng, thích thú ngắm nhìn các cung đường đi qua, ông Nghĩa như được tiếp thêm “sức mạnh”.

Chỉ trong 4 ngày di chuyển, hai ba con về tới quê nhà Thanh Hóa.

Ngày đầu tiên Sĩ Dương ngồi sau lưng ba chinh phục gần 500km tới Nha Trang

Ngồi phía sau xe của ba, ngoài ngắm cảnh, Dương có nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm địa điểm ăn, nghỉ trưa (thường là các quán cà phê võng ven đường) và nhà nghỉ, homestay qua đêm. Hai ba con thường đặt phòng qua ứng dụng trực tuyến.

"Trước đây, ba mẹ đưa tới đâu em tới đó. Lần này, được trực tiếp tham gia tìm kiếm địa điểm, nhà nghỉ, em thấy rất thú vị”, Dương bày tỏ. Hai ba con thường tính toán để đến địa điểm mục tiêu trước khi trời tối để có thời gian khám phá hoạt động du lịch đêm và nghỉ ngơi.

Hơn cả một chuyến đi

Đây là lần đầu tiên Dương được trực tiếp chiêm ngưỡng nhiều điểm đến mà em mới đọc trên sách vở như cánh đồng điện gió, cung đường biển đẹp nhất Việt Nam, gành Đá Đĩa, Ông Cọp - cầu gỗ dài nhất Việt Nam,... Đặc biệt là cảnh quan ấn tượng ở những tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai.

"Có lúc, hai ba con lái xe trên những khúc cua tay áo ngoằn nghoèo, nhỏ hẹp, một bên là núi đá lởm chởm, một bên vực sâu. Em bám chặt áo ba. Em sợ nhưng không dám nói sợ ba thêm lo”, Dương kể. "Thật may, hành trình diễn ra rất an toàn, thuận lợi", chàng trai nói thêm.

Ông Nghĩa cho biết, trước chuyến đi, Dương có tham gia thi chứng chỉ IELTS và đạt kết quả 7.5. Tuy nhiên, kĩ năng năng nói của Dương còn nhiều hạn chế. "Suốt chuyến đi, tôi động viên, khích lệ con bắt chuyện, giao tiếp với du khách quốc tế. Tôi có thể cung cấp kiến thức cơ bản để con giới thiệu về lịch sử, địa lý cho những người bạn nước ngoài gặp gỡ trên đường”, ông Nghĩa kể.

Hai ba con tại Hà Giang

Cuộc gặp đầu tiên với một du khách Mỹ tại homestay ở Quảng Bình, Dương còn khá e ngại. Thế nhưng, chỉ sau ít ngày, khi tới Hà Giang, Hội An,... chàng trai 17 tuổi mạnh dạn, giao tiếp tự tin hơn.

"Nếu trước đây, khi ở nhà, tôi nói với con về những câu chuyện lịch sử, có lẽ con không quan tâm”, ông Nghĩa cười. “Nhưng khi tới tận nơi, nghe tôi kể, con chăm chú, thích thú, tiếp nhận rất chủ động, cảm nhận rõ ý nghĩa của hòa bình”, thầy giáo lịch sử hạnh phúc chia sẻ. Hai ba con đi thăm những di tích lịch sử ở khắp Điện Biên, Hà Giang, tìm hiểu những cuộc chiến lớn, vùng biên giới Việt - Trung…

"Một vài người bạn khi biết tới hành trình đã dành lời khen cho tôi. Mọi người khen tôi hy sinh thời gian để kết nối với con. Nhưng thật ra, tôi nghĩ, chính con là động lực để tôi lên đường, là người bạn đồng hành tuyệt vời", ông Nghĩa bày tỏ.

"Nhìn con trưởng thành từng ngày, con quan tâm ba mẹ hơn, nói chuyện nhiều hơn, tôi thấy chuyến đi này quá đáng giá", ông khẳng định.