Đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. 

Cụ thể, đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao). Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%. 

vu thi truong trong nuoc.jpg
Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” cho các hợp tác xã (HTX) ngày 5/12.

Hiện sản phẩm OCOP đã xuất hiện tại rất nhiều kênh mua sắm, từ các siêu thị, hệ thống phân phối lớn đến các cửa hàng bán lẻ tiện lợi, các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc... Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

Theo đó, nhiều địa phương đã tận dụng được chính sách này khi triển khai xây dựng được nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP điển hình như: Hà Nội với hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; Quảng Ninh 30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP, Bắc Kạn 10 điểm, Bến Tre 12 điểm. 

Nhiều sản phẩm OCOP đã vào tất cả các hệ thống phân phối lớn như: Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+… Đáng chú ý, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air; các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay  cũng rất quan tâm đến sản phẩm OCOP, tiếp nhận nhiều mặt hàng bày bán cho hệ thống của mình.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững cho các HTX. 

4 đề xuất thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và họ đều mong muốn được tiếp xúc với các kênh bán lẻ hiện đại hơn, cao cấp hơn, đảm bảo chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn. Đứng trước sức ép mãnh liệt đó, hệ thống phân phối cũng theo đà tăng trưởng mạnh mẽ. 

Công nghệ đang dần thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng và trở thành xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Do đó, một trong những cách thức hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm OCOP là gắn với các nội dung xoay quanh những chủ đề top trending, đặc biệt là gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa.

Trước tình hình mới, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP cần bắt kịp xu thế, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, bán hàng trên nền tảng TikTok… và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống mà thay vào đó là tận dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok, Zalo).

Theo đó, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đề xuất 4 giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian tới, cụ thể: Một, tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.

Hai là đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. 

Ba là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Và cuối cùng là đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV