Thứ nhất là mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt. Phân động vật thải ra từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, và rơm rạ, nước thải sinh hoạt ở vùng nông thôn… được xử lý làm nguyên liệu cơ sở tạo ra khí sinh học, rồi sau đó được sử dụng làm chất đốt, bùn biogas và bã biogas được sử dụng làm phân hữu cơ. 

Điển hình là mô hình canh tác lúa sử dụng trấu làm chất đốt - củi trấu tại xã Vĩnh Bình (An Giang), với công suất 80.000 tấn/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu. Khoảng 50% lượng trấu sẽ sử dụng vào việc sấy lúa cho nhà máy, phần còn lại sẽ được chế biến thành thanh củi trấu bán ra thị trường. 

Bên cạnh tác dụng giảm nguy cơ sự cố chất thải trong nông nghiệp, mô hình này còn giúp cắt giảm khí nhà kính giảm chi phí năng lượng 30%, tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn từ việc bán củi trấu (tương đương 3,2 tỷ/ năm). 

Thứ hai là mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trồng trọt làm chất xúc tác. Sử dụng rơm rạ, mùn cưa làm vật trung gian là một phương pháp hiệu quả vừa đem lại nguồn thu nhập thêm cho người dân vừa bảo vệ môi trường. Người nông dân sử dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nhiều hộ dân có thể vùi rơm vào đất để lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau, hoặc dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ để tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất; rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. 

anh bai 16.jpg
Sử dụng rơm rạ, mùn cưa làm vật trung gian là một phương pháp hiệu quả vừa đem lại nguồn thu nhập thêm cho người dân vừa bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, lượng rơm rạ từ một ha trồng lúa có thể tạo ra được 200m mô nấm và sau khi trồng nấm từ 25 - 30 ngày có thể thu được 250 - 300kg nấm tươi. Với giá bán từ 25.000 - 27.000 đồng/kg nấm tươi, với mỗi ha trong mô hình này, ngoài tiền lúa thì nông dân có thể thu được từ 6 triệu - 8 triệu đồng. 

Đặc biệt, rơm rạ có thể sử dụng sản xuất Ethanol. Viện Dầu khí Việt Nam đã công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần. 

Thứ ba là mô hình tiết chế hóa. Mô hình này gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi để không tác động xấu đến môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các biện pháp thay thế như: bao trái ở cây ăn quả; tìm giống kháng rầy, kháng sâu ở lúa và hoa màu; sử dụng các loại phân vi sinh bón cho cây rau quả củ thay vì phân hóa học.

Thứ tư là mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình VAC, lúa-tôm, lúa-cá…), mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng. 

Mô hình VAC đã được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. VAC đã tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Sau này, mô hình VAC đã được cải tiến phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp cũng như điều kiện sinh thái của từng vùng lãnh thổ trên cả nước, đó là: Vườn - Ao - Chuồng - Bioga (VACB); Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn - Ao - Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. 

Thực hiện mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Mô hình “lúa, tôm”; “lúa, cá” được áp dụng từ đầu những năm 2000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mô hình “lúa, cá” được thực hiện ở các tỉnh vùng trũng, hay ngập úng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. 

Với mô hình luân canh này, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa. 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV