Tại Hội thảo Văn hóa 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" tổ chức tại Bắc Ninh, nhấn mạnh, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, trong đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm đã đề xuất 4 nhóm giải pháp lớn giải pháp cho bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các DTTS:

Thứ nhất là cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển. 

Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện các chính sách "phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa", để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người.

Thiếu nữ dân tộc H'Mông tham gia lễ hội đường phố ở Hà Nội trong sự kiện do tỉnh Lai Châu tổ chức năm 2020. 

Thứ hai là tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS. 

Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các DTTS đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045, từ đó có định hướng và căn cứ cho hoạch định và thực hiện.

Thứ ba là đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá DTTS. Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS. 

Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS…

Cuối cùng, là đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS.

"Văn hoá của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS hiệu quả hơn nữa".

Diệu Bình, Quốc Tiến, Lê Thúy, Hồng Khanh, Kiều Oanh