-Trong bối cảnh một nước Việt Nam thống nhất và có chiều hướng thân Liên Xô sắp thành hình, Bắc Kinh quyết định ra tay trước, chiếm lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý,  cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phải có thay đổi trong cách hành xử với nước lớn, đặc biệt là ở vấn đề nhạy cảm.

Lịch sử cho thấy, trong hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, đã có gần 1000 năm chúng ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc cùng vô số lần bị xâm lược khác.

Vị trí địa lí gần kề Trung Quốc – quốc gia duy nhất tự thân nó là một nền văn minh là bất di bất dịch nhưng chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua “lời nguyền” này nếu có cách tiếp cận hợp lý, nhất là về khía cạnh địa chính trị, ngoại giao. Nhưng trước hết, Việt Nam cần phải trung thực với lịch sử, với chính bản thân mình. Cùng nhìn lại sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 40 năm trước để rút ra bài học.

Các ông lớn bắt tay nhau

40 năm nhìn lại, hải chiến Hoàng Sa được đặt trong bối cảnh những rạn nứt trong mối quan hệ Trung – Xô, đồng thời là sự ấm lên trong quan hệ Trung – Mỹ. Sau những mâu thuẫn không thể giải quyết dẫn đến cuộc xung đột biên giới Trung – Xô năm 1969, Trung Quốc ngày càng xích lại gần “người bạn mới” Hoa Kỳ mà đỉnh cao là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon vào tháng 2 năm 1972.

{keywords}
Ảnh tư liệu.

Sau khi kí Hiệp định Paris (01/1973), Mỹ tiến hành rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ còn đồng thời rút khỏi các đảo, quần đảo chiếm đóng trước đây, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa và xem việc phòng bị các đảo này là chuyện riêng của Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Trong bối cảnh một nước Việt Nam thống nhất và có chiều hướng thân Liên Xô sắp thành hình, Bắc Kinh quyết định ra tay trước, chiếm lấy toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Căng thẳng bắt đầu xuất hiện và leo thang từ ngày 11 tháng 1 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận hải chiến chính thức bắt đầu. Các tàu phía VNCH dù có tải trọng lớn, trang bị mạnh nhưng do tốc độ chậm lại cồng kềnh nên khó khăn trong việc đối phó với các tàu Trung Quốc nhỏ và nhanh hơn.

Thế trận dần rơi vào bất lợi, VNCH buộc phải rút quân sau một ngày chiến đấu, Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa trong ngày hôm đó. Ngay sau trận chiến, VNCH ra lệnh tập hợp lực lượng chuẩn bị phản công giành lại Hoàng Sa.

Tuy nhiên, không một đợt phản công nào được tiến hành và Trung Quốc nghiễm nhiên chiếm giữ Hoàng Sa cho đến hôm nay.

Mỹ khi ấy đã giữ thái độ “không phản ứng rõ rệt, im lặng, không can thiệp” nhưng thực chất đã ngầm gây sức ép lên chính quyền Thiệu trong kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa sau đó. Mỹ một mặt muốn giữ mối quan hệ mới chớm nở với Trung Quốc mặt khác muốn khoét sâu thêm sự chia rẻ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Bằng một thái độ lạnh nhạt, Mỹ và các đồng minh của mình đã cảnh báo Sài Gòn không nên đưa vấn đề Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Liên Xô không ra thông báo chính thức chỉ trích, nhưng báo chí nước này lại hết sức sôi nổi, trong đó có tờ Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô.

VNDCCH không thể hiện bất kì một phản ứng nào trước hành động của Trung Quốc. Bởi bất kì một sự phản ứng nào, cũng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc, dù có mâu thuẫn với Liên Xô và “đi đêm” với Mỹ, nhưng vẫn hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính phủ VNDCCH khi ấy đã có một quyết định khôn ngoan.

Bởi theo nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy “Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng VNDCCH coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa”.

Như vậy, việc VNDCCH không lên tiếng khi ấy là một sự im lặng có tính toán.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao lại là Việt Nam mà không phải nước khác nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc? Vị trí địa lý nằm gần kề, truyền thống bành trướng, tham vọng quá lớn cùng những điều kiện hết sức thuận lợi bên trong lẫn bên ngoài đã thúc đẩy việc Trung Quốc lựa chọn Hoàng Sa như là một mục tiêu khả dĩ.

Lời nguyền địa lý – “lời nguyền” bất khả phá?

Ta thử lấy hình ảnh con gà trống để ví von Trung Quốc và các nước xung quanh. Khi đó, thân con gà trống sẽ là Trung Quốc, Triều Tiên sẽ là chiếc mỏ và Việt Nam là chân của con gà.

Cách so sánh này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Trung Quốc,  đặc biệt là vấn đề an ninh. Mặt khác, còn chỉ ra một thực tế, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đó là trong hàng nghìn năm qua Việt Nam đã phải gánh trên vai “sức nặng” của Trung Quốc. Vấn đề là, Việt Nam nếu có muốn cũng không bao giờ có thể thoát khỏi tình trạng này, bởi vị trí địa lí là đặc thù riêng và gắn chặt với vận mệnh của mỗi quốc gia.

Theo Giáo sư Carl Thayer, Việt Nam đã bị chi phối bởi “lời nguyền địa lí”. Theo đó, Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc học cách chia sẻ số phận của mình với Trung Quốc. Sự đe dọa từ Trung Quốc đã được chứng thực qua hàng nghìn năm lịch sử. Nó không chỉ xuất phát từ sự kế cận về địa lý mà còn từ sự bất tương xứng sức mạnh giữa hai nước. Trung Quốc rộng gấp 29 lần Việt Nam, dân số Việt Nam, dù xếp thứ 14 trên thế giới, cũng chỉ bằng một tỉnh trung bình của Trung Quốc. Và dù trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong phát triển kinh tế cũng như nâng cao sức mạnh quân sự, khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng xa.

Xem các bài cùng chủ đề

40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa

Vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974?

 Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa

Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì theo đuổi 3 mục tiêu lớn. Một là duy trì các chuyến thăm cấp cao và cấp nhà nước như một công cụ ngoại giao để giải quyết các vấn đề chung còn khúc mắc giữa theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Trong đó, lợi ích của Trung Quốc phải phù hợp và không gây tổn hại cho phía Việt Nam. Hai là nỗ lực đa phương hóa trong hợp tác, đưa Trung Quốc vào một mạng lưới hợp tác đa phương.

Và cuối cùng, cũng là một trong những mục tiêu nhằm giữ vững chủ quyền Việt Nam.

Một khía cạnh mới bổ sung vào “lời nguyền địa lý” mà Việt Nam đang gánh chịu chính là kinh tế. Việt Nam hi vọng, sự phụ thuộc về kinh tế, dù không tương xứng, cũng sẽ làm giảm nguy cơ Trung Quốc tấn công quân sự Việt Nam, đặc biệt là trên biển Đông trong tương lai.

Trên tất cả, mối bận tâm chiến lược quan trọng của lãnh đạo Việt Nam là như thế nào sử dụng các đòn bẩy ngoại giao, quan hệ kinh tế và quan hệ quân sự để duy trì độc lập, tự chủ của mình và ngăn chặn nguy cơ bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Nhưng như vậy liệu đã đủ?

Còn nữa?

  • Duy Linh – Thuận Phương