Internet cùng với sự phát triển của nó ngày một bành trướng những mặt tối, khiến người dùng lạc lối trong những giá trị ảo, dần mất đi những kết nối với thực tế cuộc sống. Công chúng dường như không còn quá xa lạ trước những tin tức về các nạn nhân xấu số của mạng xã hội: những người bị cộng đồng mạng "ném đá" tập thể, những người rơi vào trầm cảm vì nỗi cô độc trên mạng xã hội, những kẻ đáng thương bỗng trở thành trò mua vui, câu like của cộng đồng,... Nhằm phơi bày và công khai lên án những mối nguy hại tiềm tàng này, các nhà làm phim Hollywood đã dày công "thai nghén" và thành hình những thước phim chân thực và sống động nhất về góc khuất của mạng xã hội.
Cùng điểm qua 5 bộ phim dưới đây và xem cách các nhà làm phim truyền tải những bài học về tình cảm gia đình, sự thấu hiểu trong các mối quan hệ xã hội, đồng thời cảnh báo khán giả về những mối nguy trong thời đại công nghệ số.
1. Chef (Siêu Đầu Bếp, 2014)
Được Jon Favreau - đạo diễn của Iron Man (Người Sắt) chỉ đạo sản xuất, chấp bút đồng thời tham gia phim trong vai Carl Casper - một đầu bếp hàng đầu lại Los Angeles nhưng lại dễ bị ảnh hưởng bởi những chiếc tweets trên mạng xã hội. Khi bị một food-reviewer (Oliver Platt) đánh giá không tốt về chất lượng món ăn của mình, Carl đã đăng tải một phản hồi với nội dung không mấy lịch sự lên Twitter, nhưng dường như tweet này không giống như được chính anh viết. Một cuộc chiến online đã nổ ra, vừa giúp cho tên tuổi của Carl được biết đến rộng rãi hơn nhưng đồng thời cũng từng bước phá hủy danh tiếng anh luôn kỳ công gây dựng.
Sau tất cả, Carl đã từng bước tìm lại hào quang sự nghiệp với chiếc xe bán đồ ăn lưu động của mình, chạy từ Miami đến New Orleans đến Austin rồi quay trở lại Los Angeles, bày bán những món ăn được các ẩm thực gia đánh giá cao về chất lượng trên Twitter.
2. Unfriended (Hủy Kết Bạn, 2015)
Unfriended được giới mê phim kinh dị mong chờ từ trước khi ra mắt do đề tài độc đáo là hồn ma trả thù bằng mạng xã hội. Mọi chuyện bắt đầu bằng buổi chat Skype tưởng chừng bình thường giữa cô nữ sinh Blaire Lily, cậu bạn trai Mitchie cùng nhóm bạn thân; cho đến khi một nick lạ cứ tìm cách liên kết với họ.
Song song đó, trang Facebook cá nhân của Laura Barnes – cô bạn thân vừa tự sát năm ngoái của Blaire cũng sáng đèn, bắt đầu gõ phím trò chuyện. "Kẻ lạ" này yêu cầu cả nhóm chơi những trò chơi oái oăm và bệnh hoạn, từ đó hé lộ dần dần bí mật đen tối nhất của từng người, cũng như "tội lỗi" của họ đã dẫn đến cái chết của Laura.
Unfriended là một trong những tựa phim kinh dị hiếm hoi mà xem trên màn hình laptop lại tạo được nhiều cảm xúc rùng rợn hơn là xem ngoài rạp, đặc biệt với những ai có thói quen mở nhiều tab trên màn hình cùng một lúc.
3. The Circle (Vòng Xoay Ảo, 2017)
The Circle mô tả về một tương lai nơi con người sống với các câu hỏi về tiềm năng chưa được khai phá. Mae Holland (Emma Watson) – một người trẻ được may mắn chọn vào làm ở công ty công nghệ danh tiếng bậc nhất thế giới – đã trở thành người tiên phong trong phong trào bộc lộ hoàn toàn bản thân mà cụ thể là gắn camera trực tuyến 24/7 để cả thế giới thấy. Tuy nhiên khi bước chân vào đây, cô gái trẻ đã phát hiện ra nhiều điều khủng khiếp ẩn sau tiếng tăm và mức độ ảnh hưởng tầm cỡ của một tập đoàn công nghệ lớn.
Bộ phim vạch trần bộ mặt của những thế hệ người trẻ luôn "đói khát" công nghệ, xem mạng xã hội như cuộc sống, duy trì thói quen "sống ảo" như một hoạt động thường nhật, ăn sâu vào hành vi. Phim còn có sự tham gia của Tom Hanks trong vai Eamon Bailey - một vị CEO công nghệ trí tuệ và đầy tham vọng, người đã phát hiện và nâng đỡ con đường thăng tiến của Mae Holland.
4. Eight Grade (Lớp Tám, 2018)
Tác phẩm điện ảnh đầu tay của Bo Burnham (diễn viên hài người Mỹ mới 27 tuổi) khiến cho các nhà phê bình khó tính cũng phải khen ngợi nức nở. Phim nhận được số điểm vô cùng khả quan là 98% trên Rotten Tomatoes và 90% trên Metacritic.
Eighth Grade xoay quanh câu chuyện về cô bé mười ba tuổi Kayla sống ở vùng ngoại ô, vì bản tính nhút nhát cùng với hoàn cảnh gia đình nên những năm học cuối cùng của cô trong thời trung học trở nên đặc biệt khó quên, nơi trú ẩn an toàn của Kayla chính là mạng xã hội. Đây là nơi duy nhất cô bé tự tin thể hiện con người cùng tài năng của mình, thoải mái tiếp xúc với mọi người và lặng lẽ bấm like cho những người cô gọi là "bạn cùng lớp".
Eighth Grade là bộ phim không chỉ dành cho khán giả thanh thiếu niên, mà còn là tác phẩm nên xem với các bậc phụ huynh. Hài hước, tình cảm và không giáo điều, phim khắc họa những rắc rối của tuổi mới lớn theo cách mà bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi được khám phá.
5. Searching (Truy Tìm Tung Tích Ảo, 2018)
Searching giữ gìn nguyên vẹn sự hồi hộp của khán giả từ những phút đầu tiên cho tới cái kết nghẹn ngào cuối cùng, mở đầu là việc David Kim (John Cho) phát hiện con gái mình mất tích. Bên cạnh việc nhờ tới sự giúp đỡ của đội điều tra, ông bố cũng không ngừng lần theo các manh mối trong laptop của cô bé, truy cập vào các tài khoản mạng xã hội và từ đây phát hiện ra những bí mật về cô con gái Margot (Michelle La).
Không chỉ biết được về tình trạng học tập của con, các mối quan hệ thực sự của cô bé, người bố nay mới hay về nỗi cô đơn mà cô bé đã phải chống chọi một mình kể từ khi mẹ cô qua đời, để rồi ông vỡ lẽ nhận ra mình không hề hiểu con như mình luôn nghĩ.
Sự khác biệt lớn nhất của Searching với các bộ phim khác nằm ở việc tất cả khung hình trong phim đều là các cảnh quay màn hình laptop hay điện thoại, các cảnh được cắt ra từ camera an ninh, máy quay chuyên dụng và người xem giống như đang theo dõi tình tiết của vụ án qua một công cụ trung gian là các thiết bị công nghệ số.
Kịch tính dù không cần dụng tới những tình tiết jumpscare (hù dọa bất ngờ), lồng ghép những bài học về tình yêu thương, sự thấu hiểu, đan cài những lời cảnh tỉnh về các mối quan hệ giữa mọi người, về những mối nguy trên mạng xã hội, Searching xứng đáng nhận được những lời tán dương từ khán giả và các nhà phê bình điện ảnh.
Searching (Truy Tìm Tung Tích Ảo) hiện đang công chiếu tại tất cả các rạp trên toàn quốc.
Theo GameK