Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước. |
Trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tiết lộ con số mới mẻ về thị trường ví điện tử Việt Nam.
Theo số liệu thống kê có được hết quý I/2019, đối với thị trường ví điện tử, toàn thị trường có 27 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhưng 90% thị phần xét cả về giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Tất cả đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%. Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý và Chính phủ, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài, đi cùng với đó là các dữ liệu quan trọng về dân cư, an ninh quốc gia…
Quay trở lại Nghị định 171, dự thảo ban đầu dự kiến tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trong công ty trung gian thanh toán là 30%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu hai mức 30% hay 49% và tiếp tục xin ý kiến của thành viên Ban soạn thảo cũng như cộng đồng. Ngân hàng Nhà nước đã tham khảo quy định, quy ước quốc tế đối với lĩnh vực này khi chuẩn bị ban hành chính sách mới.
Theo ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính – VAFI, Giám đốc Công ty Luật VCI Legal, về quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech ở mức 30%, 40% và dưới 50% như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, nếu giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức này sẽ rất khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc là các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia.