Thông tin mới nhất từ Bộ NN-PTNT, 11 tháng năm 2023, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 18% và chiếm tỷ trọng 23,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. 

Trung Quốc cũng là thị trường duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong nhóm các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của nước ta trong 11 tháng qua.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD, lập kỷ lục mới và vượt xa con số 1,5 tỷ USD của cả năm 2022. Xuất khẩu thuỷ sản đạt gần 1,25 tỷ USD; sắn và các sản phẩm sắn đạt 1,05 tỷ USD; cao su đạt 1,97 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD.

Như vậy, có 5 mặt hàng nông sản Việt xuất sang Trung Quốc thu về tỷ USD.

xuat khau nong san.jpg
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc lập kỷ lục lịch sử (Ảnh: Hoàng Giám)

Xuất khẩu gạo sang thị trường này cũng đạt 517 triệu USD; hạt điều là 602 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 519 triệu USD. Ngoài ra, nước ta còn xuất khẩu lượng lớn cà phê, hạt tiêu, chè sang thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của nước ta; sắn và sản phẩm chiếm 90,5%; cao su chiếm 78%.

Năm ngoái, nhiều mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 43,8%; hàng thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 61,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn thu 1,3 tỷ USD, tăng 17,2%; cao su đạt 2,4 tỷ USD, tăng 4,3%...

Riêng xuất khẩu rau quả sụt giảm còn 1,5 tỷ USD.

Năm 2022, hàng loạt nghị định thư xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết. Đây là bước đệm cho hoạt động xuất khẩu có nhiều thuận lợi và giúp xuất khẩu nhiều loại nông sản bứt phá mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chúng ta phấn đấu rất lâu để có những nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch ngày càng mở rộng.

Sắp tới sẽ có thêm 4 nhóm mặt hàng gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu chính ngạch. Theo Thứ trưởng Tiến, nếu triển khai được, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, sẽ đóng góp thêm vào xuất khẩu nông sản cho năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng ký kết với Quảng Tây (Trung Quốc) về nghị định thư xuất khẩu động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hai bên biên giới để tăng cường xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật. Đây là cơ hội mở rộng các đối tượng xuất khẩu, đồng thời tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Tiến cho hay.

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương trong nước và Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đánh giá, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Ông thông báo, 10 tháng sau khi được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong năm 2023.

Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.