Các loại dưa

Theo PGS. Ninh, dưa hấu, dưa lê, dưa leo,… đều có đặc điểm chung là chứa nhiều nước (lên đến 90%), hương vị tươi mát, là loại hoa quả tuyệt vời nhất trong những ngày nóng. Ngoài cung cấp nước cho cơ thể, trong dưa còn có rất nhiều vitamin và khoáng chất giúp tỉnh táo, nâng cao sức đề kháng.

Bên cạnh đó, các loại dưa cung cấp ít kcal, không có chất béo và cholesterol nên rất thích hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tim mạch. Chất xơ trong dưa cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Bạn chỉ cần cắt lát các loại dưa để ăn nhẹ là đã có thể giúp cơ thể giải nhiệt hoặc chế biến dưa thành các món sinh tố, nước ép trái cây. Nên dùng trung bình 100-150g dưa/ngày.

{keywords}
Dưa hấu là một trong những loại hoa quả tuyệt vời nhất cho ngày nắng nóng - Hình minh họa

PGS. Ninh lưu ý, dưa hấu chứa hàm lượng kali cao. Chất này giúp ổn định hệ thống tim mạch, phòng bệnh tim, nhưng nếu hàm lượng quá cao có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, gây đau tim. Hàm lượng kali cao cũng dễ dẫn đến tổn thương thận và ảnh hưởng các dây thần kinh vận động. Ăn quá nhiều dưa hấu cũng dễ làm tăng mức độ của oxit nitric gây căng thẳng; giảm huyết áp, giảm lượng đường trong máu.

Tiêu thụ quá nhiều dưa chuột lại dễ dẫn đến đầy bụng bởi trong dưa chuột có hợp chất cucurbitacin gây chứng khó tiêu.

Bởi vậy, người dân chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải mỗi ngày, như khuyến cáo.

Các loại quả có múi

Trái cây họ cam chanh là nguồn cung cấp Vitamin C dồi dào giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện làn da và làm chậm quá trình lão hóa. Một quả cam cỡ trung có thể cung cấp đủ hàm lượng Vitamin C cơ thể cần trong một ngày.

Ngoài ra, nhóm trái cây này còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác, bao gồm: vitamin A, B, phốt pho, magie, đồng,…Hàm lượng chất xơ cao trong trái cây họ cam chanh cũng rất có lợi cho sức khỏe (một quả cam chứa 4 gram chất xơ)

Bạn có thể ăn trái cây trực tiếp, chế biến thành các loại nước uống hoặc thêm vào trong các món nước sốt. Trong ngày, một người nên ăn trung bình 100-150g trái cây họ cam chanh.

PGS. Ninh khuyến cáo, sử dụng trái cây nguyên chất có lợi hơn dùng nước ép. Người dân nên hạn chế ăn cam, quýt lúc đói bởi axit citric trong những loại trái cây này có thể kích thích dạ dày.

{keywords}
Quả cam cung cấp nguồn vitamin C dồi dào, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch - Hình minh họa

Bí đao

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết, bí đao có tính mát, ngọt dịu, công dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi tiểu, tăng cường miễn dịch.... Ngoài  ra, bí đao hầu như không chứa hàm lượng chất béo nào và có khả năng sinh nhiệt thấp nên sẽ giúp cơ thể giảm được tình trạng tích mỡ, hiệu quả trong việc giảm cân.

Bí đao cũng có tác dụng rất tốt trong trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: xơ cứng động mạch, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng và bệnh cao huyết áp.

Để thanh nhiệt, giải độc, có thể chế biến bí đao thành các món trà bí đao, nước ép, nấu canh với liều lượng 200-300g/bữa, 1-2 bữa/tuần.

PGS. Ninh lưu ý, bí đao sống có tính xà phòng rất cao. Không nên ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố vì tính chất xà phòng sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa. Việc giảm cân với bí đao cần kết hợp với thực đơn đầy đủ dinh dưỡng để tránh thiếu hụt các chất khiến cơ thể giảm đề kháng.

{keywords}
Bí đao có tính mát, ngọt dịu, công dụng giải độc, thanh nhiệt - Hình minh họa

Mướp đắng

Đông y nêu rõ, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát. Ăn mướp đắng làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, bổ thận tráng dương…

Ngoài ra, mướp đắng là thực phẩm giúp ích cho việc giảm cân, giảm mỡ bụng vì nhiều chất xơ nhưng lại chứa ít kcal; hỗ trợ giảm đường máu và cholesterol máu,

Khi ăn mướp đắng, bạn có thể luộc, hấp, xào hay kho. Tuy nhiên, theo PGS. Ninh, cần lưu ý bỏ hột ra trước khi chế biến. “Trong hạt mướp đắng, người ta chiết xuất ra hai chất đắng là alpha và beta momorcharin có độc với tế bào gan, nhất là ở gan trẻ em”, PGS. Ninh nói.

{keywords}
Mướp đắng cũng có công dụng thanh nhiệt, giúp trị các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát - Hình minh họa

Mỗi ngày, nên ăn tối đa hai quả mướp đắng và tối đa bốn lần trong một tuần. Ăn quá nhiều mướp đắng sẽ gây hại đến dạ dày và hạ đường huyết quá mức, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên ăn mướp đắng vì dễ gây kích thích tử cung, chảy máu.

Sữa chua

Sữa chua rất có lợi cho cơ thể trong mùa nắng nóng. Theo PGS. Ninh, thực phẩm này là nguồn cung cấp lượng protein cực kỳ ấn tượng: có khoảng 12gr protein trong 200gr sữa chua. Protein giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể, cân bằng mức tiêu hao năng lượng hay lượng kcal được đốt cháy trong 1 ngày.

Ngoài ra, sữa chua còn chứa rất nhiều probiotics, men vi sinh giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch, phòng tránh các bệnh dễ xảy ra trong mùa nắng nóng.

{keywords}
Sữa chua chứa rất nhiều chứa nhiều probiotics, men vi sinh giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch - Hình minh họa

Nên ăn sữa chua trực tiếp, tối đa 3 cốc sữa chua không béo hoặc ít béo không đường mỗi ngày.

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo, những người không dung nạp đường sữa hoặc dị ứng sữa cần thận trọng khi sử dụng sữa chua bởi có thể gây ra tác dụng phụ. Một số loại sữa chua có chứa lượng đường bổ sung cao dễ gây các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường và béo phì.

Hải Nam

Những món ăn gây hại cho thận

Những món ăn gây hại cho thận

Sản phẩm từ sữa, chuối, khoai tây, khoai lang, thịt đỏ... không có lợi cho thận, đặc biệt với những người đang có vấn đề về thận.