Tròn 2 năm chuyển về nhà mới cũng là tổ ấm riêng mà hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm suốt nhiều năm mới có được, chị L.M.P (30 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) như được hồi xuân, cảm thấy trẻ trung, hạnh phúc hơn vì không còn nơm nớp cảnh ở nhà thuê chật chội, thiếu thốn.
"Nếu như đàn ông phải lo toan kinh tế, gia tăng thu nhập thì người phụ nữ cũng cần biết vun vén, chi tiêu. Có vậy mới duy trì được cuộc sống, nhất là ở thành phố và tích lũy được khoản tiền đầu tư cho các kế hoạch lớn trong tương lai. Làm 10 đồng, tiêu 7, giữ lại 3 sẽ tốt hơn làm 20 đồng nhưng tiêu gần hết", chị P. nói.
Làm 10 tiêu 5, chăm chỉ "nuôi" lợn đất từng nghìn lẻ
Chị P. (quê ở Hải Phòng) kết hôn với anh L.H (ở Nam Định) năm 2015. Thời điểm đó, chị P. làm lễ tân cho một trung tâm tiệc cưới với mức lương 7 triệu đồng/tháng, còn chồng làm việc tại một ngân hàng tư nhân với thu nhập 8 triệu đồng.
Sau kết hôn, cả hai vẫn sống tại phòng trọ 20m2 trên đường Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà anh H. từng thuê nhiều năm với giá 2.5 triệu đồng/tháng (bao gồm điện nước). Căn phòng tuy không rộng, nội thất chưa đủ đầy nhưng cách chỗ làm việc của hai vợ chồng chỉ chừng 3-4 km nên thuận tiện đi lại.
Vì chưa có con nên hai vợ chồng chị P. vẫn dư dả dù ở nhà thuê với tổng thu nhập chỉ 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh chị xác định phải mua nhà Hà Nội để khi có con nhỏ sẽ đảm bảo điều kiện sống tốt hơn nên luôn "thắt lưng buộc bụng", áp dụng kế hoạch chi tiêu tiết kiệm từng ngày.
Cưới xong, trừ chi phí cỗ bàn, hai vợ chồng chị P. gom tiền mừng từ bạn bè được 60 triệu đồng và 10 chỉ vàng mà bố mẹ, người thân hai bên cho. Khoản tiền và vàng này, anh chị dành dụm tiết kiệm, không sử dụng đến.
Hàng tháng, tiền sinh hoạt phí của hai vợ chồng được chị P. giới hạn trong khoảng 7 triệu đồng (lương của một người) bao gồm: tiền phòng trọ, tiền ăn, xăng xe, ma chay hiếu hỉ,... Số tiền còn lại, anh chị gửi tiết kiệm ngân hàng.
Buổi sáng, chị P. đi xe bus tới chỗ làm, còn anh H. di chuyển bằng xe máy. Từ nhà tới trung tâm tiệc cưới chỉ một đường thẳng nên chị mua vé tháng một tuyến hết 100.000 đồng. Còn chồng chị sử dụng chiếc xe Wave Alpha cũ, dung tích 3,7 lít nên không quá tốn kém, tiền xăng chỉ dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng.
Ở quê, bố mẹ hai bên đều trồng được vườn rau và trái cây nên luân phiên gửi đồ lên Hà Nội cho vợ chồng chị, tiếp tế thực phẩm 2 tuần/lần, từ hải sản tươi ngon, thịt gà, thịt lợn,... cho đến gạo, trứng, rau củ quả các loại. Thỉnh thoảng, chị P. gom đơn bán online các mặt hàng nông sản, đồ quê, vừa tiện cước vận chuyển, vừa có thêm khoản thu nhập phụ 2-3 triệu đồng.
"Tính ra tiền ăn của hai vợ chồng mình mỗi tháng chỉ khoảng 2.5 triệu đồng, bao gồm cả tiền mua dầu ăn, mắm muối,... Buổi sáng, cả hai ăn cơm hoặc mì tôm ở nhà, trưa ăn tại chỗ làm còn tối về mới nấu nướng. Hai vợ chồng ăn uống đơn giản, chỉ một món mặn, một món rau hoặc canh là xong nên chi phí không tốn nhiều", chị P chia sẻ.
Ngoài khoản tiền cố định hàng tháng như tiền nhà, tiền ăn, xăng xe, anh chị còn trích thêm 1 triệu đồng cho tiền ma chay hiếu hỉ, 300.000 đồng mua đồ dùng gia đình như bột giặt, kem đánh răng, dầu rửa bát,... và 150.000 đồng tiền mạng internet. Trung bình, tổng các khoản chi tiêu của cặp vợ chồng trẻ rơi vào khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Từ kinh nghiệm quản lý tài chính thực tế, chị P. biết cách vun vén, gói gọn chi tiêu hàng ngày, đảm bảo tiết kiệm nguyên vẹn phần lương của chồng. Có tháng phát sinh chi phí như tiền sửa xe, mua sắm quần áo hay tiền khám bệnh, người vợ trẻ lại cân đối, bù trừ vào tiền sinh hoạt tháng sau.
Ngoài khoản tiết kiệm để dành mỗi tháng từ thu nhập của cả hai, anh chị còn chắt bóp từng đồng tiền lẻ hàng ngày rồi "nuôi" lợn đất. Cứ cuối năm, cặp vợ chồng trẻ lại "mổ lợn", gom góp cũng thu được gần 6 triệu đồng dồn vào sổ tiết kiệm.
"Từ những khoản nhỏ nhất như tiền lẻ đi chợ hay chồng uống trà đá còn thừa vài nghìn đồng cũng được giữ lại để bỏ vào lợn", nữ lễ tân trung tâm tiệc cưới nói thêm.
Bên cạnh mức lương 15 triệu đồng cố định mỗi tháng, anh chị còn có thêm khoản tiền thưởng lễ, Tết hàng năm khoảng 60 triệu đồng và 10 triệu đồng tiền bán rau dưa online. Hai năm đầu tiên, cặp vợ chồng son tiết kiệm được 450 triệu đồng.
Tháng 9/2017, chị P. sinh con trai đầu lòng. Trong 6 tháng ở cữ, chị nhận được trợ cấp 22 triệu đồng tiền thai sản. Chị tính toán chi tiêu trong khoản đó, còn lương của chồng vẫn giữ nguyên, tiết kiệm được 48 triệu đồng. Ngoài ra, tiền mừng đầy tháng của con trai mà bạn bè và gia đình nội ngoại hai bên cho được 15 triệu đồng, chị bàn với chồng mua vàng tích trữ.
Từ khi có con, chi phí sinh hoạt hàng tháng của hai vợ chồng tốn thêm khoảng 2,5 triệu đồng tiền bỉm, sữa, quần áo. Bên cạnh đó, lệ phí tiêm phòng trong một năm đầu cho bé cũng tốn khoảng 7 triệu đồng.
Trước đây, anh chị tiết kiệm được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng thì nay chỉ giữ lại được 5-6 triệu đồng. Mọi kế hoạch chi tiêu phải thắt chặt hơn để dành điều kiện chăm sóc tốt cho con. Tính đến cuối năm 2018, đôi vợ chồng trẻ tích góp thêm được khoảng 180 triệu đồng.
Đầu tư đất quê để "sinh lời", tiết kiệm tiền mua nhà bạc tỷ ở Hà Nội
Năm 2019, lương của hai vợ chồng tăng thêm gần 3 triệu đồng, đủ để chị P. chi trả tiền cho con đi nhà trẻ. Vì chưa có hộ khẩu Hà Nội, con phải gửi trường tư mà cảnh ở trọ khá bất tiện nên anh chị tính đến chuyện mua nhà. Tuy nhiên, việc sở hữu bất động sản ở Thủ đô không đơn giản, cần có khả năng tài chính khá cao. Vợ chồng chị P. đành bàn nhau mua đất để "sinh lời".
"Thời điểm đó, dồn hết sổ tiết kiệm và bán vàng tích trữ, hai vợ chồng mình gom được 680 triệu đồng, chỉ đủ mua mảnh đất nhỏ ở ngoại thành hoặc dưới quê. Ban đầu, cả hai định mua đất ở huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Tuy nhiên, vì không có thời gian đi xem nên chúng mình chọn đầu tư đất ở quê ngoại dưới Hải Phòng. Đây là khu vực bất động sản tiềm năng, đang thu hút nhiều nguồn đầu tư mà bố mẹ đẻ mình cũng nắm được thông tin", chị P. nhớ lại.
Thông qua bố mẹ, tháng 3/2019, vợ chồng chị P. "chốt" được lô đất 80m2 thuộc một xã ở huyện Thủy Nguyên, gần đường làng, cách quốc lộ khoảng 1.5km với giá 9 triệu đồng/m2. Tổng giá trị mảnh đất là 720 triệu đồng. Chị vay thêm mẹ đẻ 40 triệu đồng để tất toán.
Sau khi mua đất, vợ chồng chị P. "trắng tay" nên tích cực chăm chỉ "cày cuốc", tiết kiệm tiền trả khoản nợ vay mẹ đầu tư.
Gần 1 năm sau, thị trường bất động sản ở Thủy Nguyên sôi động trở lại khi Khu đô thị Bắc sông Cấm được xây dựng. Thời điểm chủ trương đưa huyện này lên thành phố được thông qua thì giá đất càng tăng cao. Ngay cả một số xã ở sâu bên trong huyện, giá đất cũng "phi mã". Tận dụng cơ hội có nhiều người từ các tỉnh "đổ xô" về đây bỏ tiền ra đầu cơ, chị P. lập tức rao bán đất.
Chỉ sau một ngày, lượng khách gọi điện thoại cho chị lên tới vài chục người. Cuối cùng, anh chị "chốt" bán đất với giá 20 triệu đồng/m2, cao hơn gấp đôi, thu lãi được 880 triệu.
Trừ 40 triệu đồng vay mẹ, thu gom cả vốn cả lời được hơn 1.5 tỷ đồng, với khả năng tài chính này, vợ chồng chị P. bàn tính mua chung cư nhỏ, cách trung tâm thành phố khoảng 7-8 km về phía mạn Hoàng Mai.
Để tiết kiệm nhất có thể, cặp vợ chồng trẻ cũng không mua qua môi giới mà tự tìm hiểu trên mạng rồi đến xem trực tiếp. May mắn được người quen giới thiệu, tháng 3/2020, anh chị mua được chung cư ở một dự án thuộc quận Hoàng Mai, vừa gần công ty lại có khuôn viên xanh, nhiều tiện ích.
Căn nhà rộng 70m2, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 2 nhà vệ sinh có giá 1.3 tỷ đồng. Anh chị chi thêm 160 triệu đồng để sắm sửa nội thất, thiết kế không gian sống sang trọng hơn. Số tiền 100 triệu đồng còn lại, cặp đôi tiếp tục tiết kiệm, dồn vốn lớn hơn sẽ đầu tư.
"Ở chung cư phù hợp với vợ chồng trẻ vì có nhiều tiện ích và cách chỗ làm của hai vợ chồng chỉ tầm 3-4 km thôi. Các khoản phí như tiền gửi xe, phí dịch vụ hàng tháng cũng nằm trong mức có thể chi trả nên chúng mình thấy yên tâm và thoải mái. Nay đã có nhà riêng, vợ chồng mình rất phấn khởi, có động lực làm việc hơn và chắc chắn vẫn duy trì thói quen chi tiêu tiết kiệm. Vài năm nữa, khi con lớn hoặc có thêm em bé, gia đình mình sẽ có điều kiện chuyển tới nơi ở khác rộng rãi hơn hoặc gần trung tâm", chị P. giãi bày.
Người phụ nữ này cũng khẳng định, hai vợ chồng áp dụng lối sống khoa học, tiết kiệm chứ không hà tiện, sẵn sàng đầu tư những việc cần thiết, còn thứ gì không quan trọng thì tuyệt đối không chi tiêu. Chị quan niệm "tích tiểu thành đại", tiết kiệm từng chút một để có khoản tích lũy lâu dài và lớn dần trong tương lai.
Theo Dân trí