-Một con sông bị cắt ra cho 4 - 5 Bộ quản lý! Nước dẫn vào đồng thì do bộ nông nghiệp, nước nguồn thì do bộ tài nguyên, nước để chở tàu bè thì do bộ giao thông... Cứ cắt  khúc như thế.

 Kỳ 1: Từ cường quốc đến... vỡ trận

Kỳ 2: Chúng ta thiếu các doanh nhân có dũng khí

Là một cường quốc xuất khẩu nông sản 24 năm qua nhưng lúa gạo của ta dễ dàng bị đánh bại bởi lúa gạo từ Ấn Độ, Myanmar và Campuchia! Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách Bộ NN - PTNT  phân tích về hiện trạng này.  Đặc biệt đi sâu mổ xẻ nguyên nhân căn cốt của tình trạng 'vỡ trận' nông nghiệp đó là: khoa học công nghệ, kỹ năng thương mại, quản lý  lạc hậu với thời cuộc!

Khoa học ở nông thôn là một thách thức

Cái mà chúng ta cần lúc này là phải phát huy cạnh tranh cao độ hơn bằng khoa học công nghệ. Việt Nam là quốc gia đất chật người đông. Nguồn tài nguyên đất đai đến nay không chỉ ít hơn trước mà còn giảm dần dần.

Mỗi năm có hàng chục ngàn ha đất chuyển sang mục đích phi nông nghiệp. Đây là quy luật tất yếu của quá trình phát triển công nghiệp. Mỗi năm có hàng trăm ngàn người lao động chuyển qua tham gia lao động phi nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Hàng năm nguồn nước ít ỏi phải chuyển qua nhu cầu tưới tiêu, phục vụ vận hành thủy điện, phục vụ đời sống của thị dân, nhu cầu công nghiệp. Tiền vốn cũng bị hút ra rất nhiều  tập trung cho các mục tiêu SX có lợi nhuận cao hơn. Nói chung các nguồn tài nguyên chính là đất, nước, lao động, tiền vốn, thậm chí sinh học đa dạng đều chảy ra khỏi nông nghiệp.

Nông dân Việt Nam hiện có khả năng tái sản xuất mở rộng rất thấp. Mỗi một năm tích lũy trên dưới chục triệu đồng. Với năng lực như thế mà phải mua máy móc mới, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tập trung hóa ruộng đất là điều không tưởng.

Muốn áp dụng khoa học công nghệ thì phải có đất rộng, phải có tiền mua đất rộng ra hoặc thuê thêm đất; có tiền mua máy móc và mua xăng dầu để chạy. Nếu  áp dụng vật tư phân, thuốc, thức ăn gia súc mới thì phải có thêm tiền và mời chuyên gia hướng dẫn. Khi áp dụng thì phải điều chỉnh, bảo trì. Tất cả những chi phí này đều rất tốn kém.

Dù ai cũng biết là phải đầu tư vào khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn  nhưng làm thế nào để biến từ không thành có trên nền tảng thu nhập, văn hóa, học vấn, cơ sở hạ tầng ở nông thôn là một thách thức!

Chính vì thế, yếu tố con người chứ không phải đất đai hay tiền bạc mới là quan trọng nhất! Chúng ta phải tạo ra không chỉ bằng một số chính sách đơn lẻ của ngành nông nghiệp, ngành khoa học công nghệ mà phải cả một hệ thống chính sách từ văn hóa, giáo dục, thể thao; từ các tổ chức đoàn thể, hệ thống chính trị để biến nông thôn trở thành nơi tươi đẹp, văn minh cho người nông dân có tri thức, có chuyên môn sống và làm việc hiệu quả.

Thông thường, khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống dưới 15% tổng GDP một quốc gia thì  ngân sách của các nước đủ mạnh để đầu tư  vào các lĩnh vực then chốt làm chất xúc tác cho tư  nhân đầu tư vào NN. Đó là tình hình ở  các nước phát triển trước Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan,.... Cho nên không lấy làm lạ là các nước phát triển đến một mức độ nhất định có thể quay lại đầu tư, hổ trợ cho nông dân, nông thôn rất nhiều.

{keywords}

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

 Nhiều người đã hỏi tại sao Nhà nước ta không đầu tư cho nông dân, nông thôn như các nước khác? Thẳng thắn mà nói là ngân sách nước ta chưa cho phép.

Mấy năm nay tỷ trọng ngành nông nghiệp Việt Nam loanh quanh ở mức trên 20% GDP. Chúng ta không đánh thuế nông nghiệp, miễn thủy lợi phí nhưng nông thôn vẫn bị tình trạng "cánh kéo giá" (tăng giá đầu vào, dịch vụ cao hơn tăng giá bán nông sản) hút nguồn lực đi. Điểm xuất phát của chúng ta còn rất thấp.

Xét về sản lượng thì nhiều mặt hàng Việt Nam làm ra khá nhiều và bán nhiều ra thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, đồ gỗ,... nhưng về giá thành, năng suất lao động, chi phí tài nguyên, giá trị gia tăng thì nông sản Việt Nam ở trình độ rất thấp so với mức trung bình thế giới.

Trên thế giới có nhiều nước có lợi thế về nông nghiệp đã biết biến các ngành này thành các mũi nhọn chiến lược kinh tế. Như Malaixia rất mạnh về cọ dầu; Thụy Điển, Phần Lan rất mạnh về rừng, đánh cá; Hà Lan mạnh về trồng hoa, rau; Ixraen mạnh về trồng rau, cây ăn quả. Brazin mạnh về cà phê,...

Điều đầu tiên khi nhìn vào số liệu của các đất nước này rất đáng ngạc nhiên là những ngành nông nghiệp lợi thế có đóng góp rất cao trong tỷ trọng GDP. Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù 70% dân số sống ở nông thôn, 50% lao động làm nông nghiệp nhưng giá trị cả ngành chỉ chiếm 20% GDP.

Ở đây không chỉ đơn thuần là cách tính toán số liệu mà là cách quản lý đồng bộ nhà nước và sự chia xẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi giá trị của cả hiệp hội ngành hàng. Về nguyên tắc, càng lên cao, đi xa hơn về cuối chuỗi giá trị phía công nghiệp chế biến, thương mại, kinh doanh thì năng suất lao động, giá trị gia tăng ngày càng cao nên lợi nhuận ngày cao hơn và rủi ro càng thấp.

Ở Việt Nam, số liệu thống kê của nông nghiệp chấm dứt ở nông sản thô, chính sách ngành cũng dừng ở đó. Trong chuỗi giá trị hỗ trợ đầu tư cũng cắt rời ra như các quỹ bình ổn chỉ giành cho các doanh nghiệp, không hề được sử dụng cho nông dân.

Hay các hoạt động thu mua tạm trữ cũng chỉ trợ giá qua ngân hàng cho doanh nghiệp chứ nông dân chỉ được gián tiếp. Rõ ràng cách đặt vấn đề và cách xây dựng chính sách, quản lý sản xuất, kinh doanh như ở ta đã cắt khúc làm thiệt hại ghê gớm cho sản xuất nông nghiệp cả về uy tín lẫn thực lực!

{keywords}
Thu hoạch cá basa

4 - 5 bộ quản lý 1 con sông = 0

Lấy ví dụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, khi xảy ra một sự cố, không biết qui trách nhiệm cho ai! Ông nông nghiệp chịu trách nhiệm về nuôi, trồng nông sản; ông thương mại chịu trách nhiệm về vận chuyển, buôn bán, phân phối; ông y tế chịu trách nhiệm về chế biến, dinh dưỡng... Khi một tập thể, địa phương bị ngộ độc thì trách nhiệm thuộc về ai? Khó mà biết được. Thế thì làm sao mà có chính sách đồng bộ?

Nên mọi người trong chuỗi giá trị cũng theo đó mà chia rẽ đối xử. Người nông dân dành mảnh ruộng sạch thì để ăn, còn lại bón nhiều phân, thuốc thì để bán ra thị trường. Người chế biến cũng thế bơm nước vào thịt, ngâm hóa chất vào bún. Đến người vận chuyển, người bán hàng cũng tìm cách đổ hết thiệt hại cho người tiêu dùng. Sự sai lạc, hỏng hóc về đạo đức bắt nguồn có phần từ cách quản lý của chúng ta tạo nên.

Có 2 cái cắt khúc mà chúng ta phải xử lý ngay. Cái thứ nhất là cắt khúc phân đoạn ngành nghề như tôi vừa nói. Cái thứ hai là cắt khúc về địa bàn lãnh thổ. Ví dụ việc quản lý tài nguyên. Một con sông bị cắt ra cho 4 - 5 Bộ quản lý! Nước dẫn vào đồng thì do Bộ NN - PTNT; nước để chở tàu bè đi thì do Bộ GTVT; nước nguồn thì do Bộ TN - MT. Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý an toàn giao thông đường thủy, Bộ Công thương kiểm soát nhà máy thủy điện,...

Khi có người khai thác cát, đào bới lòng sông hoặc các khu dân cư, vùng sản xuất lấy mất nước hay làm bẩn sông gây thiệt hại cho nguồn lợi chung thì rất khó có người đứng ra phối hợp ngăn chặn, bảo vệ và xử lý.

Các hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý tài nguyên, phát triển xã  hội đều mang tính vùng rất rõ nét. Trong trường hợp này, vai trò của cơ quan hành chính lại hành xử khá chia cắt theo địa bàn, nhất là cấp tỉnh. Những chuyện như trường đại học, sân bay, cảng biển, đài truyền hình, sân vận động...,  địa phương nào cũng phải có mà vẫn không đủ tầm là sự lãng phí và kém phối hợp cho các vùng sinh thái chính.

Làm như thế nào để kết nối giữa các ngành chức năng, giữa các địa phương? Trong một số trường hợp, nhất là liên kết vùng lãnh thổ theo chiều ngang, cần có các tổ chức quản lý theo vùng sinh thái chính.

Cái khó là quyết tâm trao quyền, huy động một đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất, có trách nhiệm cao nhất và hiệu quả nhất trong cả hai trường hợp trên vào cuộc, đó là nhân dân. Nếu cộng đồng nhân dân sống ở lưu vực một con sông con coi sông, bờ đê, bãi bồi là của họ thì họ chẳng đợi bộ, ngành hay Chính phủ lên tiếng khi con sông của họ bị nhiễm bẩn, khi đất đai của họ bị đào bới! Tương tự như thế nếu chúng ta giao cho quyền cho người sản xuất, người tiêu dùng bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm thì tình hình sẽ khác.

Hiệp hội người tiêu dùng có quyền  tố cáo, ngăn chặn, xử phạt, tẩy chay người sản xuất, người chế biến nào làm ăn gian dối, người buôn bán gian lận, nếu làm trái luật. Người tiêu dùng là người ăn uống nông sản, được lợi và bị hại trực tiếp của sản phẩm đó nên họ có động lực, trách nhiệm và sức mạnh cao nhất để xử lý.

Nếu tôi là người nông dân sản xuất ra hàng hóa. Người tiêu dùng có mua, có ăn nông sản hay không là vấn đề sống còn với cuộc sống của tôi. Quyền lợi của tôi là ở chỗ đó. Tôi trực tiếp được lợi và chịu thiệt ở khâu cuối cùng. Nếu anh chế biến, anh buôn bán làm hỏng tiếng tăm, uy tín nông sản của tôi thì tôi phải có trách nhiệm tố cáo, có quyền đòi xử lý chứ!

Nếu chúng ta làm quen với việc đưa dân vào làm chủ như thế thì cách xử lý sẽ rất khác. Không phải dân đợi "các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc" rồi chờ "cả hệ thống chính trị vào cuộc,"..., mà người dân phải là chủ thể đứng ra đề xuất vấn đề, đề xuất giải pháp, giám sát thực hiện, những đối tượng thiết thân nhất chịu tác động của vấn đề. Các cơ quan nhà nước đứng ở vị trí người phục vụ, thi hành trách nhiệm chuyên môn khi dân yêu cầu.

Việc thay đổi tư duy này là cần thiết tuy khó với cả nhà nước và nhân dân.

(Còn nữa)

  • Duy Chiến