Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, quá trình chuyển đối số còn mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài.

Bởi hiện nay trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai được. Kể cả Thông tư 39 hiện nay cũng không thể sửa đổi được nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung. Từ đó mới thấy được khó khăn của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc triển khai chuyển đổi số.

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, có 5 thách thức các ngân hàng sẽ phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số.

Thứ nhất, câu chuyện về hành lang pháp lý, còn thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa, rồi Luật Kế toán. Luật Kế toán cũng đã có những câu chuyện mắc cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn rồi. Hoặc chữ ký số. Hay câu chuyện chúng ta chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng.

Thứ hai, vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn. Không phải một sớm một chiều mà có ngay tiền được. Theo khảo gần đây, những ngân hàng bỏ ra 3% chi phí thì có dưới 50%, còn lại khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí cho IT, mà 13% cho IT thì không hề đơn giản.

Thứ ba, cần nhiều thời gian để đào tạo nhân sự. Trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về công nghệ thông tin, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ vi phạm. Nếu không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm.

Thứ tư, liên quan đến câu chuyện bị tấn công trên không gian mạng. Rõ ràng, ngân hàng luôn bị các loại tội phạm tấn công, như tấn công vào tài khoản, ăn trộm mật khẩu… và luôn có rủi ro bị mất tiền. Đấy là câu chuyện phải nhận thức rõ.

Thứ năm, mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, dẫn đến cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.

Nhìn chung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, “số” chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng.

Vì vậy, để giải quyết các vấn đề khó khăn, ngành ngân hàng đang xây dựng và trình Chính phủ 2 nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hai nghị định này được coi là đổi mới về mặt thể chế, quy định để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán, và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian tới.

Trẩn Thủy, Nguyễn Hằng, Thanh Bình, Anh Dũng