Trong những năm gần đây, nền giáo dục châu Á được công nhận rộng rãi về chất lượng đào tạo và trình độ sinh viên.

Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore đã sản sinh ra một thế hệ những người trẻ tài năng, sáng tạo và ghi dấu trên những bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. 

Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh tích cực này là một thực tế đáng buồn: tỷ lệ học sinh tự tử cao. Trong số các quốc gia này, Nhật Bản có tỷ lệ tự tử học đường thuộc top đứng đầu thế giới.

Dao động ở mức 500-700 vụ/năm

Số lượng học sinh tự tử ở Nhật Bản biến động theo thời gian và có xu hướng giảm kể từ đỉnh điểm vào đầu những năm 2000, theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Vào năm 2000, số lượng học sinh tự tử lên đến 1.207 vụ/ năm. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 3 em học sinh tự kết liễu cuộc đời mình.

Năm Số vụ  Năm Số vụ 
2000 1.207 2011 611 
2001 1.026 2012 607 
2002 1.039 2013 596 
2003 1.014 2014 565 
2004 863  2015 855 
2005 798  2016 647 
2006 772  2017 551 
2007 723  2018 604 
2008 718  2019 621
2009 672  2020 579
2010 631  2021 473
2022 512

Bảng thống kê số vụ học sinh Nhật Bản tự tử (2000-2022). Nguồn: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Gần đây nhất, ngày 2/3/2023, tờ Japan Times đưa tin, có 512 vụ học sinh tự tử được báo cáo trong năm 2022. Trong đó, 17 em là học sinh tiểu học, 143 THCS và 352 THPT.

Nam sinh trung học có xu hướng tự tử cao hơn rõ rệt (chiếm 207 vụ). Hầu hết vụ việc xảy ra vào tháng 6 (60 vụ), tháng 9 (57 vụ) và tháng 3 (47 vụ).

Sức nặng của 2 từ "áp lực"

Có nhiều yếu tố khiến học sinh Nhật Bản tự tìm con đường giải thoát cho mình nhưng tựu chung lại, đó là áp lực.

1. Áp lực học tập:

Các chuyên gia nhận định đây là một trong những nguyên nhân chính. Hệ thống giáo dục Nhật Bản vốn nổi tiếng với những chương trình giảng dạy nghiêm ngặt và đòi hỏi khắt khe. Học sinh, vì vậy, chịu áp lực rất lớn để đạt thành tích tốt.

Áp lực này trở nên trầm trọng hơn trước mỗi kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học danh tiếng và ứng tuyển vào công việc lương cao. Áp lực phải thành công khiến một số em cảm thấy vô vọng và đường cùng.

2. Áp lực gia đình

Văn hóa Á Đông khiến các bậc phụ huynh đặt kỳ vọng rất lớn vào con em mình.

Đôi khi, những kỳ vọng này vượt quá khả năng. Các em có thể cảm thấy sẽ làm gia đình thất vọng hay xấu hổ nếu không đáp ứng được những kỳ vọng này.

Ngoài ra, các vấn đề gia đình khác như cha mẹ ly hôn hoặc khó khăn tài chính cũng là nguyên nhân khiến cho học sinh thêm căng thẳng và tuyệt vọng.

3. Áp lực xã hội

Nhật Bản được biết đến là một xã hội có cấu trúc và thứ bậc chặt chẽ, chú trọng mạnh mẽ đến sự tuân thủ các chuẩn mực.

Học sinh đối mặt với áp lực đáng kể trong việc tuân thủ các khuôn mẫu giới tính truyền thống hay đáp ứng những kỳ vọng của xã hội.

Vị dụ, nữ sinh phải hoàn hảo về mọi phương diện trong cuộc sống, bao gồm thành tích học tập, ngoại hình và cử chỉ, hành động. 

Điều này có thể quá sức đối với một số em, dẫn đến cảm giác không thỏa đáng, căng thẳng và tuyệt vọng.

4. Áp lực từ bạn bè

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Bộ Giáo dục Nhật Bản, gần 20% học sinh tiểu học và trung học cơ sở đã từng bị bắt nạt. Những học sinh này cảm thấy bị cô lập và không được hỗ trợ.

Đáng sợ hơn, các em coi bạo lực học đường là một phần bình thường trong trải nghiệm ở trường. Học sinh có thể ngần ngại báo cáo vì sợ bị trả thù. Một số giáo viên có thể miễn cưỡng can thiệp vì sợ phá vỡ sự hòa hợp của lớp hay "mang tiếng" thiên vị bên nào.

Văn hóa "tatemae" của Nhật Bản (tức là luôn duy trì vẻ bề ngoài vui vẻ, hòa đồng) có thể khiến mọi người xung quanh khó phát hiện ra. 

Áp lực đè nén, đến khi bộc phát, các em đã quyết định "giải thoát" cho mình. Trên thực tế, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này như ban hành luật chống tự tử, tuyên truyền, giáo dục hay thiết lập các dịch vụ tư vấn.

Tuy nhiên, số vụ tự tử của học sinh nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung vẫn cao thuộc hàng top thế giới. Đây là thực tế đáng buồn mà nền kinh tế thứ 3 thế giới này không bao giờ muốn nhắc đến.

Tử Huy