Để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đào tạo cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020; Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025…
Nhà vệ sinh tự động bật đèn, phát nhạc được xây dựng từ nguồn xã hội hoá của Trường THPT Hoàng Quốc Việt (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thảo |
Giúp các địa phương thực hiện hiệu quả những chương trình, đề án trên, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn. Bộ đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để địa phương huy động nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.
Trong năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Bộ ban hành Thông tư 05 (ngày 05/4/2019) về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các thông tư về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng lớp học của từng cấp học theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục.
Đây sẽ là căn cứ giúp các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021.
Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và lồng ghép các nguồn vốn khác, năm học vừa qua các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học. Trong đó, một số tỉnh có số lượng phòng học bổ sung lớn như: Bắc Giang với 1.271 phòng, Vĩnh Phúc 1.178 phòng; Thanh Hóa 1.820 phòng, Thừa Thiên Huế 1.176 phòng học...
Việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục... cũng được ngành giáo dục các địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để chú trọng triển khai.
Đến cuối năm học 2018-2019 tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cơ bản đã được khắc phục theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 38.165 công trình nước sạch và 60.000 nhà vệ sinh được xây mới trong năm học vừa qua.
Dù đã được quan tâm nhưng trên do điều kiện kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp của một số địa phương còn hạn hẹp. Một số nơi, việc đầu tư lại còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao.
Tính đến hết năm học 2018-2019, tỷ lệ phòng học kiên cố của cả nước vẫn ở mức thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,9%. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Đắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%; Sóc Trăng 48,1%.
Theo Báo cáo của Cục Cơ sở vật chất, 2019
Một số hạn chế khác trong công tác tăng cường cơ sở vật chất trường học là việc phát triển hệ thống trường, lớp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do địa bàn dân cư thưa thớt, không tập trung, giao thông không thuận lợi. Cơ sở vật chất trường học của một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.
Xác định tăng cường cơ sở vật chất là một nhiệm vụ chính của năm học 2019-2020, nhất là khi chỉ còn một năm nữa là chương trình phổ thông mới sẽ được triển khai, tuy nhiên, ngành giáo dục đào tạo cũng nhận thức rằng, đây là bài toán khó, cần sự quan tâm và chung tay vào cuộc của các cấp bộ ngành từ trung ương đến địa phương.
Thu Hà
"Tất cả vì học sinh thân yêu" sao lại để trẻ đội nắng trong lễ khai giảng?
- Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, ví dụ “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng thực tế các em vẫn phải ngồi “đội nắng” trong ngày khai giảng.