Cục An toàn Thực phẩm chỉ thị các địa phương kiểm tra gắt gao, tránh để thực phẩm ‘bẩn’ lọt vào bữa ăn ngày Tết.

Từ tháng 11/2018, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019. Nhận được chỉ thị, các địa phương đã đồng loạt hưởng ứng, thu giữ nhiều tấn hàng giả, xử phạt hàng trăm cơ sở kinh doanh...

Cụ thể, ngày 29/11, Cục Quản lý Thị trường Quảng Ninh đã tổ chức tiêu hủy 30 mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... với tổng giá trị khoảng 644 triệu đồng. Trước đó, cơ quan này đã xử lý trên 1.387 vụ vi phạm, tiêu hủy hơn 5,6 tỷ đồng các mặt hàng tương tự.

Nơi gần cửa khẩu Lạng Sơn, Cục Quản lý Thị trường tỉnh liên tiếp bắt giữ nhiều vụ thực phẩm "bẩn" nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Chỉ trong vòng một tuần, thu giữ 900kg nầm lợn bốc mùi hôi thối ở khu Nam Quan (huyện Cao Lộc), 800kg nầm lợn đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc không có giấy kiểm dịch động vật ở chợ Đồng Đăng.

Từ đầu năm đến nay, Lạng Sơn đã phát hiện và thu giữ hơn 20 tấn thực phẩm "bẩn" nhập lậu,  chủ yếu là nội tạng động vật và gia cầm. Các đối tượng lợi dụng đường biên giới dài, địa hình nhiều đường mòn, lối tắt để vận chuyển thực phẩm "bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nội địa tiệu thụ. Để ngăn chặn, Lạng Sơn đã đẩy mạnh kiểm soát khu vực biên giới, lập chuyên án xử lý kịp thời các vụ việc.

Bên cạnh đó, Cục An toàn Thực phẩm cũng chỉ định Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Nam Định đến kiểm tra chéo tỉnh Lạng Sơn, nhằm tăng hiệu quả kiểm tra khách quan. Năm 2018, Lạng Sơn đã kiểm tra: 5.983 cơ sở, phát hiện 814 cơ sở vi phạm và xử phạt hàng trăm triệu đồng.

{keywords}
Nầm lợn bẩn thường được tiêu thụ mạnh trong mùa đông và dịp Tết.

Từ 1/1/2019 đến hết 25/3/2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh hơn nữa. Theo đại diện Cục An toàn Thực phẩm, các mặt hàng chính được tiêu thụ với số lượng lớn trong dịp Tết như thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát... sẽ là đối tượng bị kiểm tra gắt gao.

Cận Tết cũng là thời điểm người dân có nhu cầu mua các sản phẩm thực phẩm chức năng biếu tặng người thân. Trong vòng 2 tuần (17/11 đến 02/12), Cục An toàn Thực phẩm đã bất ngờ thanh tra và phát hiện 6 lô sản phẩm không đạt chất lượng, quảng cáo sai thông tin, gây hiểu lầm có công dụng như thuốc chữa bệnh... Ngoài hình thức phạt tiền, Cục đã thu hồi và tiêu hủy tất cả sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và răn đe các cơ sở sản xuất.

Theo chỉ đạo, lực lượng chức năng các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm kém chất lượng trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm… 

Kết quả 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong đó, phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền hơn 42,5 tỷ đồng.

(Theo Cục An toàn Thực phẩm)