Không thể nói chúng ta nhận thức đúng, chúng ta làm theo qui luật mà lại trì trệ. Có dũng cảm nhận thức điều này mới dám thay đổi, dám từ bỏ những cái gì níu kéo, ngăn trở sự phát triển.

Tháng Tám mùa Thu cách mạng như một dấu mốc mở đầu cho nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Và cứ mỗi độ thu về, người Việt chúng ta lại có dịp nhìn lại mình, để thấy bước chân đất nước đã đi được những chặng đường gian lao ra sao?

Thành công to lớn và những bài học đắng cay

Gần 07 thập kỷ độc lập và cũng gần 04 thập kỷ đất nước thống nhất. Đó là thời gian không quá dài. Nhưng chặng đường ấy có sự hội tụ, cả thành công to lớn và cũng có những bài học cay đắng.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là cuộc sống của dân ta so với những năm trước có bước tiến thay đổi về chất lượng sống rõ rệt. Như một cuộc đổi đời quan trọng. Nhưng cũng chính trong sự thay đổi ấy, nếu nhìn ra thế giới, nước Việt vẫn… giật mình, lo lắng.

Bởi nền kinh tế VN chưa có những bước phát triển vững chắc, không theo kịp các nước cùng điều kiện và ngay cả trong khu vực. Nguy cơ đất nước tụt hậu rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn tiếp tục, và ngày càng rõ.

Sự lạc quan, hy vọng ở chặng đường đầu của công cuộc đổi mới tưởng có thể “hóa rồng”, thì càng về giai đoạn sau càng không đúng với tiềm năng.

Không thể nói chúng ta nhận thức đúng, chúng ta làm theo qui luật mà lại trì trệ. Có dũng cảm nhận thức điều này mới dám thay đổi, dám từ bỏ những cái gì níu kéo, ngăn trở sự phát triển.

Khi mà cùng một điều kiện khách quan tác động như nhau nhưng các nước trong khu vực tốc độ phát triển GDP vẫn nhanh và cao hơn Việt Nam,(TQ: 8,2 ; CPC: 7,5; và Lào: 8,5). Đó là gì nếu không muốn nói là sự năng động, sự phát triển chưa đem lại hiệu quả thiết thực, trước  dòng chảy mạnh mẽ của nhiều quốc gia ngay trong khu vực.  Khi mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore (kết quả nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, giai đoạn 2011-2020, của ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện).

Trong điều kiện thế giới nhiều thách thức, và đầy biến động nhưng nhiều quốc gia đã đứng vững, phát triển vững chắc. Như Luxembourg: thu nhập bình quân đầu người cao nhất ước tính 110.573 USD; Nam Sudan: Tăng trưởng GDP  ước tính: 24,7%...

Trong phát biểu bế mạc HN TW 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải lưu ý: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn; cân đối ngân sách khó khăn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng còn lớn. Khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại.

Tất cả đang đặt ra cho nước Việt những câu hỏi lớn.

Cơ chế nào để phát triển?

Điều gì khiến cho các quốc gia nói trên làm được những điều thần kỳ như vậy? Phải chăng xuất phát từ  mô hình phát triển và vai trò của người lãnh đạo.

Có lẽ đã đến lúc cần có một lý luận kinh tế vững chắc phù hợp với Việt Nam, không vay mượn, không làm theo. Để làm được điều đó hãy để cho các nhà khoa học tìm tòi,  đóng góp. Gắn với một việc làm cần quyết liệt và tích cực hơn nữa, là tái cấu trúc kinh tế theo hướng cổ phần hóa, tập đoàn kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp, tổng công ty, tạo môi trường cạnh tranh kinh doanh bình đẳng.

Cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch là một giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay. Sự thiếu minh bạch chính là đất để những kẻ tham nhũng lợi dụng, làm chậm quá trình phát triển. Công khai minh bạch để dân giám sát là bước đi tất yếu của dân chủ. Công khai ở đâu ở đó sẽ phát triển, dân chủ ở đâu ở đó sẽ phát triển. Thông điệp của Thủ tướng đã nói rõ: Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều quan trọng không kém, là trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, và tấm lòng của người đứng đầu.

Ngay bên cạnh ta, quốc gia Myanma đã từng rất nhiều năm đóng kín không phát triển. Song khi người đứng đầu nắm bắt được vận hội, huy động được sức mạnh của dân tộc phù hợp với dòng chảy của thực tiễn họ phát triển một cách nhanh chóng. Đến mức khiến nhân loại chú ý, ngưỡng mộ.

Con đường đi lên, con đường phát triển của bất cứ quốc gia nào cũng vậy, không bao giờ là bằng phẳng, thậm chí có nhiều khúc quanh đòi hỏi phải có tư duy nhạy bén và sắc sảo của người đứng đầu, mà ở ta chính là những nhà chính trị có tầm chiến lược.

Không có gì ngạc nhiên ngay lịch sử một đất nước cũng cho thấy vai trò quan trọng của người “anh hùng tạo nên thời thế” hoặc ngược lại… Khi đất nước giai đoạn này thì phát triển, giai đoạn kia thì đi chậm, tụt hậu hoặc bất an.

Trong những năm qua, nước Việt luôn phải đối mặt với những lợi ích nhóm, quốc nạn tham nhũng, bởi một số chính sách thiếu tính khả thi, trái qui luật, những mô hình lạc hậu… Đó chính là lực cản làm xã hội chậm phát triển, thậm chí tụt hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi Nhà nước, các ngành, các cấp phải giải quyết một cách căn cơ bài bản, chấn hưng và  tạo động lực, chất xúc tác kích thích đất nước vượt lên.

Nhìn nhận rõ những yếu tố nào cản trở, nguyên nhân vì sao xã hội chậm phát triển, mô hình nào phù hợp…là công việc quan trọng hàng đầu trước sự tụt hậu của đất nước hiện nay. Dũng cảm nhìn nhận những yếu kém, dũng cảm cắt bỏ những “khối u” đã làm suy yếu xã hội, làm xã hội phát triển trì trệ, cũng là con đường sáng, mở ra cho nước Việt niềm hy vọng mới, ở mùa xuân 70.

  • Nguyễn Đăng Tấn