Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2020, 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng gần một nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng. Còn theo Agribank, hơn 70% dân số tập trung ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại của khu vực này là rất hạn chế.

Khảo sát mới đây của hệ thống dịch vụ công nghệ tài chính – ngân hàng Mambu cho thấy, nhu cầu gia tăng nhận thức và hiểu biết về các dịch vụ tài chính của khách hàng đang gia tăng trên toàn cầu. Và Việt Nam - nền kinh tế mới nổi - cũng không là ngoại lệ.

Thực tế cho thấy, giao dịch không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã tăng 75,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Mua sắm trực tuyến ở Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân, đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến trong quý II/2020.

{keywords}
70% người trưởng thành ở Việt Nam dùng dịch vụ ngân hàng 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện với mục tiêu cuối năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; đồng thời, triển khai thí điểm chương trình Mobile Money trong 2 năm kể từ năm nay, để kích thích nền kinh tế không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tài chính cho hàng triệu người. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã thực hiện hoặc có kế hoạch chuyển đổi số.

Những giải pháp công nghệ mới đang thay đổi toàn cảnh dịch vụ tài chính ở Việt Nam bao gồm các hình thức thanh toán trực tuyến mới, như ví điện tử, mã QR; các sản phẩm ngân hàng số kết hợp AI, phân tích dữ liệu và công nghệ điện toán đám mây, nhằm cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, tất cả đều thông qua điện thoại thông minh.

Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam - cho biết: “Giải pháp công nghệ số trên nền điện toán đám mây (cloud-native) với giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các ngân hàng có thể “soạn” ra bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào mong muốn, bằng cách “lắp ghép” các giải pháp tối ưu độc lập với nhau. Cách tiếp cận kiểu “Phối hợp” (Composable banking) sẽ giúp các ngân hàng số hóa một cách nhanh chóng, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung vào trải nghiệm khách hàng,đáp ứng được nhu cầu thay đổi thường xuyên của khách hàngtrong thời đại 4.0“.

Song nghiên cứu Mabu chỉ ra các cá nhân sử dụng và chưa sử dụng ngân hàng đều cảm thấy họ không được phục vụ đúng như kì vọng, với 56% khách hàng sử dụng ngân hàng tin rằng còn nhiều loại dịch vụ khác mà đáng lẽ ra họ nên được tiếp cận.

Ông Elliot Limb, Tổng Giám đốc Thương mại của Mambu chia sẻ: “Với hơn 1,7 tỷ người trưởng thành chưa sử dụng ngân hàng trên thế giới, các dữ liệu thường hướng đến những lí do như thị trường mới nổi và rào cản địa lý. Tuy nhiên, không nên bỏ qua khoảng cách trong khả năng tiếp cận dịch vụ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Trạng thái tiếp cận tài chính ở nhiều thị trường trên thế giới trái ngược hoàn toàn với những gì mà chúng ta đang nhìn thấy về những lợi ích tài chính mà sự phát triển của công nghệ mang lại. Có 26% số người chưa sử dụng ngân hàng được khảo sát tin rằng các tổ chức tài chính có thể giúp họ có được một tài khoản ngân hàng và cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính mang tính cá nhân hoá hơn".

Khảo sát của Mambu cũng chỉ rõ sự khác nhau giữa người sử dụng và chưa sử dụng ngân hàng khá rõ ràng nhưng vẫn có một khoảng cách tiếp cận tài chính giữa hai nhóm. Theo đó, có đến 81% người sử dụng ngân hàng cho rằng tình hình sẽ được cải thiện nếu như họ hiểu biết nhiều hơn về các dịch vụ tài chính và 58% người không sử dụng ngân hàng cũng có cùng câu trả lời.

Có 65% số người chưa sử dụng ngân hàng không hài lòng với tình hình tài chính hiện nay của họ. Còn trong số những người sử dụng ngân hàng, 25% người được hỏi không hài lòng với mức độ hiểu biết về tài chính cá nhân và các lựa chọn họ đang được tiếp cận.

Bên cạnh đó, gần một nửa số người (48%) thuộc nhóm có khung lương trung bình trở lên (từ 63.000 USD/năm) cho biết họ không biết cách mở một tài khoản ngân hàng và có đến 56% nói rằng các tổ chức tài chính nên là đơn vị chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn, tư vấn về tài chính cá nhân.

Hiện cả người sử dụng ngân hàng (57%) và chưa sử dụng ngân hàng (36%) đều đang dựa vào internet để tìm kiếm thông tin tài chính, và tìm hiểu về quyền lợi ứng với từng sản phẩm tài chính, thay vì thông qua ngân hàng.

28% người được khảo sát nghĩ rằng các ngân hàng nên giải thích cách mở tài khoản một cách dễ hiểu hơn.

26% người chưa sử dụng ngân hàng tin rằng các tổ chức tài chính có thể giúp họ mở một tài khoản ngân hàng, bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính mang tính cá nhân hoá hơn.

40% người tiêu dùng chưa sử dụng ngân hàng cho biết, có thể sẽ sử dụng ngân hàng nếu như có nhiều dịch vụ chuyên biệt trên điện thoại hoặc website hơn.

Anh Tuấn