“Rất ít khi các bộ ngành tự đề xuất cắt bỏ giấy phép con, họ sẽ tìm cách hợp lý hoá, đổi tên, ẩn quy định”.

Rối bời trước rừng giấy phép con

Ôtô tải của một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đang vận chuyển hàng từ nhà máy sản xuất về chứa tại kho của DN thì bị Đội 4 – Thanh tra Sở giao thông vận tải TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính. Nội dung biên bản ghi tài xế điều khiển ô tô đầu kéo của DN này làm chủ phương tiện vi phạm điều khiển xe không có phù hiệu đối với loại xe quy định phải có phù hiệu. Kết quả, tài xế bị thu giữ giấy phép lái xe hạng D.

Lý do khiến công ty bị xử phạt vì vi phạm Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Theo DN này, họ không kinh doanh vận tải và không thu cước phí vận tải dưới bất kỳ hình thức nào. Việc công ty chở hàng chỉ là thực hiện chức năng lưu chuyển hàng hóa nội bộ từ nhà máy đến kho của công ty. Còn việc chuyên chở hàng hóa ra ngoài thị trường tiêu thụ, công ty vẫn phải thuê và trả cước phí vận tải cho đơn vị vận tải bên ngoài.

Mặt khác, là DN 100% vốn nước ngoài nên theo quy định DN không thuộc diện được phép kinh doanh vận tải. Vì thế, dù có cố gắng tuân thủ Nghị định số 86 thì công ty cũng không thể được cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu.

{keywords}
Hiện đang có khoảng 7.000 giấy phép con các loại

Thế nhưng, nếu không có phù hiệu, công ty sẽ lại có nguy cơ bị xử phạt tiếp như trường hợp kể trên. Rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, DN đã phải gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi.

Trường hợp của DN vướng giấy phép vận tải hay câu chuyện giấy chứng nhận ATVSTP của chủ quán cà phê Xin chào mới đây chỉ là một trong rất nhiều DN hàng ngày khi phải vật lộn với 7.000 “giấy phép con” ở nhiều lĩnh vực.

Năm 2015, Bộ Tư pháp đã “chỉ mặt đặt tên” hàng loạt giấy phép con vô lý, trái luật, sai thẩm quyền được các bộ ngành, địa phương ban hành. Trong đó có những “giấy phép con” tréo ngoe buộc DN, người dân phải chấp hành như giấy phép biểu diễn ca Huế; sửa chữa ô tô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy...

Điểm mặt giấy phép con không phù hợp trong văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang nhắc đến Nghị định 109/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo hiệp hội này, việc quy định mỗi DN xuất khẩu mỗi năm phải xuất khẩu trên 10.000 tấn là bất cập. Ngoài ra, cũng không nên quy định DN xuất khẩu gạo phải có bao nhiêu ha vùng nguyên liệu và phải tăng dần theo từng năm.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảm thấy khó hiểu khi Nghị định 86 có quy định từ ngày 1/7/2016, DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương phải có từ 20 xe trở lên và 10 xe trở lên ở các địa phương còn lại.

“Trong vận tải hành khách, chỉ cần 3 yếu tố gồm xe an toàn, đường tốt, người lái đảm bảo là đủ để hoạt động. Cả thế giới quản lý như vậy. Sao lại quy định mỗi công ty phải có bao nhiêu xe? Khi nói chuyện Việt Nam đặt ra những điều kiện kinh doanh cho vận tải thì người nước ngoài không hiểu được vì sao”, TS Nguyễn Đình Cung bộc bạch.

Các bộ không thể tự xóa sổ giấy phép con

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, hiện có hơn 7.000 giấy phép con các loại, hơn một nửa trong số đó là không đủ căn cứ pháp lý tồn tại vì được quy định ở thông tư của các bộ. Bởi theo quy định, các bộ không được phép ban hành điều kiện kinh doanh.

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ đề nghị rà soát, bỏ bớt các giấy phép con tránh gây khó dễ cho DN. Hiện nay, tính từ lúc DN đăng ký thành lập cho đến khi hoạt động tồn tại có quá nhiều giấy phép con. Việc còn khoảng trên 7.000 giấy phép con gây tốn kém về thời gian và chi phí cho DN.

Từ 1/7/2016, những giấy phép con quy định ở cấp thông tư sẽ bị hủy bỏ, hoặc phải rà soát điều kiện nào hợp lý thì nâng lên thành Nghị định. Nhưng việc này không dễ dàng chút nào!

{keywords}
Nỗi lo giấy phép con biến tướng vào các quy định pháp luật.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kể: Các bộ chuyên ngành khi tham gia những buổi họp rà soát điều kiện kinh doanh, Bộ nào cũng cho là những quy định ấy cần thiết, phải để lại. Trong khi nhiều bộ không quan tâm vấn đề này.

Trong ngày bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho người kế nhiệm, ông Bùi Quang Vinh cũng đầy trăn trở với việc các điều kiện kinh doanh còn đầy rẫy.

Ông Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, việc bãi bỏ các giấy phép con là áp lực lớn vì hơn 2 tháng nữa tất cả quyết định, thông tư của các bộ về điều kiện kinh doanh sẽ bị vô hiệu lực. Nhưng nếu không xử lý xã hội sẽ rất khó khăn.

TS Nguyễn Đình Cung cho hay, hiện nay việc tập hợp các điều kiện kinh doanh mới chỉ ở mức cơ học, chưa có đánh giá hợp lí, cần thiết của các điều kiện ấy. Như thế nguy cơ việc nâng cấp điều kiện kinh doanh chỉ là nâng cấp cơ học từ thông tư lên nghị định, không thay đổi về chất lượng của điều kiện kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI đề nghị không nên để các bộ ngành tự rà soát các điều kiện kinh doanh mà nên có sự tham gia của cơ quan độc lập. Bởi vì ít khi các bộ ngành tự đề xuất cắt bỏ giấy phép, họ sẽ tìm cách hợp lý hoá, đổi tên, ẩn quy định.

“Cách làm bền vững sau này là thiết lập cơ chế kiểm soát việc ban hành giấy phép con mới, quy trình xét duyệt chặt chẽ và nên gắn trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành với việc duy trì hay ban hành mới giấy phép con bất hợp lý”, ông Đậu Anh Tuấn có ý kiến.

Hà Duy