Xung quanh số tiền bồi thường cho ông Chấn, vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất là ai sẽ phải chịu khoản tiền đền bù 7,2 tỉ đồng này? Ngân sách nhà nước hay những cán bộ thi hành tố tụng gây oan sai?

Bộ Tài chính cấp phát kinh phí

Ngày 5/6, TANDTC cho biết tòa án đã xin lỗi và ông Nguyễn Thanh Chấn đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỷ đồng. Đây được đánh giá là trường hợp được đền bù oan sai với số tiền lớn nhất từ trước đến nay.

{keywords}

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn trong buổi làm việc với TAND Tối cao để giải quyết bồi thường oan sai.

Trên báo Tuổi Trẻ, đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội cho biết sau khi thỏa thuận xong về số tiền bồi thường với ông Chấn, theo đúng quy trình, tòa sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét.

Nếu không phát hiện sai sót, hồ sơ sẽ được chuyển cho Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao, sau đó chuyển sang Bộ Tài chính để cấp phát kinh phí.

Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, tiền chi trả bồi thường sẽ được rót về Vụ kế hoạch tài chính Tòa án nhân dân tối cao để chi trả cho ông Chấn.

Ai sẽ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước?

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là ai sẽ hoàn trả lại số tiền 7,2 tỷ đồng này cho ngân sách nhà nước. Trên Infonet, luật sư Phạm Công Út, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Nghiêm cho biết, Hội đồng xét xử cấp Phúc thẩm lần hai đã tuyên bản án oan ông Chấn phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền 7,2 tỷ đồng này.

Cụ thể, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (có hiệu lực từ năm 2010) quy định: Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, những điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã mắc sai phạm, sai sót trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn sẽ phải hoàn trả cho ngân sách công.

Nhưng trong vụ ông Chấn, một số điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán đã bị khởi tố, điều tra, nghĩa là phải chờ xét xử xong, chịu án rồi mới xem xét. Nếu là lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì mới hoàn, còn nếu là lỗi vô ý thì... không phải hoàn trả.

Thực tế, 3 năm trở lại đây, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn.

Về vấn đề này, trong phiên trả lời chất vấn tại UBTV Quốc hội 13/3 vừa qua, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, khẳng định: “Người thi hành công vụ khi có lỗi cố ý mới phải tự bồi thường. Trong các vụ án oan sai vừa qua, chưa xác định lỗi cố ý, nên không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các thẩm phán”.

Điều 52. Kinh phí bồi thường

1. Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.

2. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.

Điều 56. Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ

1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

(Trích Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước)

L.Lam (tổng hợp)