Mỹ, Trung Quốc, liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản hôm 25/1 đồng ý bắt đầu thỏa thuận quy định khung mới về TMĐT trước việc WTO thiếu các quy định liên quan đến lĩnh vực này. Trung Quốc cho thấy họ ủng hộ sáng kiến nhưng nói rằng nên cân nhắc đến nhu cầu của các nước đang phát triển.
TMĐT ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo của WTO chỉ ra tổng giá trị TMĐT năm 2016 là 27,7 nghìn tỷ USD, trong đó gần 24 nghìn tỷ là giao dịch B2B. Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, các nhà đàm phán từ 76 quốc gia và khu vực nhất trí cần đưa ra chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán mà họ hi vọng sẽ diễn ra trong năm nay để thiết lập quy định mới về TMĐT.
Ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, cho biết quốc gia của ông hi vọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 có thể xúc tiến đàm phán nhanh hơn. Ông khẳng định các quy định hiện hành của WTO chưa đáp ứng được yêu cầu của thế kỷ 21.
Đại sứ WTO Trung Quốc Zhang Xiangchen kêu gọi tôn trọng các yêu cầu chính đáng của các thành viên đang phát triển. Theo Reuters, điều đó có thể làm tăng xung đột với Washington khi Mỹ nói rằng WTO phải ngừng đối xử đặc biệt với các nước “đang phát triển”.
Các chuyên gia thương mại nhận xét quy định thương mại toàn cầu đang nhanh chóng trở nên lỗi thời và cần được cập nhật nếu không sẽ bị thất sủng. Nghiên cứu gần đây cho thấy 70% thỏa thuận thương mại khu vực đều có các chương hay quy định về TMĐT.
164 nước thành viên WTO đã không thể hợp nhất khoảng 25 đề xuất TMĐT riêng lẻ tại một hội thảo ở Buenos Aires tháng 12/2018, trong đó có đề nghị thành lập diễn đàn đàm phán TMĐT. TMĐT không phải một nội dung trong đàm phán Doha từ năm 2001 và cả ngày nay.