Đây là thông tin được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch Covid-19 chiều 2/2.

Ông Khuê cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân mới, có đến 80% không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện.

Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng.

{keywords}

Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (ảnh trái) tại buổi họp trực tuyến chiều 2/2. Ảnh: Trần Minh

Vì vậy, ông Khuê đề nghị, tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.

“Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện”, ông Khuê cảnh báo.

Ông Khuê cũng lưu ý, trong điều trị phải luôn chú ý mở cửa thông thoáng các phòng khám, khu điều trị và đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn.

Liên quan đến đặc diểm dịch tễ các ca bệnh, Tổ trưởng Tổ thông tin, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, hầu hết các ca đều tập trung tại các sự kiện tập trung ăn uống đông người, trong không gian kín, như ổ tịch tại Poyun, xe đưa dâu từ Nam Sách lên Hà Nội. 2 ca Covid-19 đầu tiên tại Gia Lai cũng có mặt trên chuyến xe đưa dâu này.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại, virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 70%, lây trong không khí, 80% không có triệu chứng do chủ yếu mắc trên các đối tượng trẻ nên rất dễ bị bỏ qua.

Vì vậy các địa phương cần nâng cao hơn một mức trong phòng chống dịch, phải nhanh hơn, mạnh hơn trước.

Ông cũng yêu cầu các tỉnh rà soát lại các điểm nguy cơ, mở rộng xét nghiệm tại các các khoa phòng bệnh viện như khu vực phòng khám, khoa hô hấp, cấp cứu, tai mũi họng… tránh trường hợp bệnh nhân khi vào viện có thể chỉ viêm, đau họng thông thường.

Người đứng đầu ngành y tế chỉ đạo các tỉnh có dịch cần nâng cao năng suất xét nghiệm.

{keywords}

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Trung tâm Y tế Chí Linh, Hải Dương

“Bài học thành công của Đà Nẵng chính là công suất xét nghiệm. Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhưng xét nghiệm cũng phải đáp ứng được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong 6 ngày qua, dịch Covid-19 đã lan ra 10 địa phương với 301 ca mắc trong cộng đồng, trong đó Hải Dương nhiều nhất với 224 ca, Quảng Ninh 30 ca, Hà Nội 20 ca…

Tuy nhiên địa phương phức tạp nhất hiện nay là Gia Lai với 13 ca nhiễm trong 3 ngày. Bộ trưởng Y tế đánh giá, địa phương chưa có kinh nghiệm trong truy vết, điều tra dịch tễ, công suất xét nghiệm chỉ được 200 mẫu/ngày.

Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Gia Lai đã về địa phương từ 18/1, đến nay đã qua 4 chu kỳ lây nhiễm, song việc truy vết F1 hiện gặp rất nhiều khó khăn, chậm do người dân chủ yếu sống tại các huyện miền núi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý, các tỉnh cần xác định rõ khái niệm F1, F2 để khoanh vùng. Trong đó F1 phải có tiếp xúc gần với ca dương tính SARS-CoV-2 trong bán kính 2m, tương tự, F2 phải có tiếp xúc gần F1.

Trong bối cảnh dịch lan rộng như hiện nay, Bộ trưởng Y tế yêu cầu cần ưu tiên xét nghiệm F1 trước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho các địa phương.

Với người dân, Bộ trưởng khuyến cáo hạn chế tối đa sự kiện tập trung đông người, cài ứng dụng để phục vụ truy vết, đặc biệt chú ý đeo khẩu trang. Vừa qua, công nhân tại công ty Poyun ở Chí Linh, Hải Dương khi vào sản xuất không đeo khẩu trang nên lây nhiễm nhanh, phát hiện một lúc rất nhiều trường hợp.

Thúy Hạnh

Công bố 30 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng tại 4 tỉnh

Công bố 30 ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng tại 4 tỉnh

18h ngày 2/2, Bộ Y tế công bố thêm 31 ca Covid-19, trong đó có 30 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 trường hợp về từ nước ngoài, đã cách ly ngay sau nhập cảnh.