Ngày 30/11, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì tổ chức hội thảo “Đưa người dân lên môi trường số: Tăng cường cung cấp thông tin và hiệu quả tương tác qua cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương”.
Chủ tịch VDCA Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, để thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử vào năm 2030 theo như Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam cần nhận thức rõ các tiêu chí còn chưa tốt gồm có thông tin số, hiện mới đạt 0,65/1; tham vấn trực tuyến đạt 0,57/1, tham gia vào xây dựng chính sách và xây dựng pháp luật trực tuyến là 0,15/1.
Thông tin về thực trạng cung cấp thông tin trên các cổng/trang thông tin điện tử, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực Phụ nữ (CEPEW) cho biết, khảo sát của Trung tâm cho thấy tỷ lệ các cơ quan nhà nước công khai quy chế và đầu mối cung cấp thông tin còn hạn chế.
Cụ thể, ở cấp Trung ương, 48,1% cơ quan đã công khai đầu mối và 40,7% công khai quy chế cung cấp thông tin. Ở cấp địa phương, 9,5% UBND cấp tỉnh đã công khai đầu mối và 3,2% công khai quy chế cung cấp thông tin. Các Sở Tư pháp đạt tỷ lệ cao nhất ở cấp tỉnh, nhưng đều dưới 40%.
Kết quả khảo sát của CEPEW về tình hình thực hiện Luật Tiếp cận thông tin trên môi trường số còn chỉ ra rằng, việc triển khai Luật của các cơ quan nhà nước chậm và chưa đồng đều. Trong khi tỷ lệ các cơ quan trung ương thiết lập chuyên mục tiếp cận thông tin và lập danh mục thông tin phải công khai đều đạt 37% thì tỷ lệ này ở UBND cấp tỉnh lần lượt đạt 15,9% và 12,7%.
Đánh giá từ góc độ trải nghiệm của người dùng, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc VDCA đưa ra nhận xét các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chưa thành công trong việc “giữ chân” người dùng. Số liệu cho thấy 80% các cổng thông tin điên tử cấp tỉnh chỉ “giữ chân” người dùng được 2,79 phút; bình quân, 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.
“Các địa phương đã có đầu tư cho yếu tố “đầu vào” – cơ sở hạ tầng của các kênh tương tác với người dân. Tuy nhiên, thực tiễn thực hành, tổ chức thực hiện còn thiếu sự chuẩn hóa và chưa hiệu quả, dẫn đến yếu tố “đầu ra” là mức độ hài lòng cũng như sự tham gia của người dân trong tương tác với chính quyền trên môi trường số vẫn tương đối thấp”, đại diện Viện IPS đánh giá.
Chia sẻ ở góc nhìn của cơ quan nhà nước, ông Mai Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, Nghị định 43 ban hành năm 2011 là một văn bản pháp lý quan trọng quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, qua 11 năm triển khai, Nghị định 43 giống như một “tấm áo chật”, không còn phù hợp với tình hình mới.
Cũng vì thế, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 42 ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, các quy định mới tại Nghị định 42 sẽ mang lại nhiều thuận tiện như: người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng thông tin và DVCTT 24/7 ở bất cứ đâu và lựa chọn kênh theo nhu cầu; người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT toàn trình trên môi trường mạng và hướng tới chỉ khai báo thông tin 1 lần cho cơ quan nhà nước...
Theo đánh giá của VDCA, việc cập nhật Nghị định 42 mang một ý nghĩa quan trọng, phản ánh tư duy cung cấp dịch vụ, lấy người dân làm trung tâm, cụ thể ở đây là dịch vụ cung cấp thông tin cho người dân. Đồng quan điểm, đại diện CEPEW cho rằng, Nghị định này đạt một bước tiến lớn khi ghi nhận căn cứ pháp lý là Luật Tiếp cận thông tin, luật cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân.