- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên sẽ từ 1,65m; tăng thêm 4cm so với hiện nay; còn tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi phải ít hơn 5% (hiện nay: 17,5%) và tuổi thọ trung bình là 75 (hiện nay: 73).  Đó là những chỉ số cơ bản đặt ra trong chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


TIN BÀI LIÊN QUAN


Đến năm 2020, phấn đấu chiều cao trung bình của thanh niên từ 1,65m. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2007-2008. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chiều cao tăng 4cm, tuổi thọ tăng thêm 2

Một trong những mục tiêu cụ thể của chiến lược là tới năm 2020, nhân lực Việt Nam sẽ có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc.

Khi đó, sẽ có nhân lực quản lý nhà nước hành chính chuyên nghiệp đáp ứng những yêu cầu của nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa trong thế giới hội nhập và biến đổi nhanh.
Đặc biệt, chiến lược xác định cần phải xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là nhóm chuyên gia đầu ngành, có trình độ kỹ thuật chuyên môn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.
Cùng với đó, xây dựng được đội ngũ doanh nhân chuyên gia quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, có bản lĩnh, thông thạo kinh doanh trong nước và quốc tế.
Một cách tổng quát, nhân lực Việt Nam đến năm 2020 sẽ "hội đủ các yếu tố cần thiết về thái độ nghề nghiệp, có năng lực ứng xử, tính năng động, tự lực cao.

Đặc biệt, số lượng nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực được xác định là đột phá có quy hoạch cụ thể như sau:

Quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế, dự kiến sẽ có  với 20.000 người (hiện nay là 15.000); giảng viên ĐH, CĐ là 160.000 người (hiện nay: 77.500).

Ở các lĩnh vực ngành nghề, công nghệ thông tin có số lượng lớn nhất với 550.000 người (hiện nay là 180.000), tiếp đến là Tài chính - Ngân hàng 120.000 (hiện nay: 70.000); Khoa học - Công nghệ: 100.000 (hiện nay: 40.000) và Y tế - Chăm sóc sức khoẻ: 80.000 (hiện nay là 60.000).

Chiến lược đưa ra một số chỉ tiêu đến năm 2020, gắn với các con số như: tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70% (hiện nay là 40%); số sinh viên ĐH, CĐ trên 1 vạn dân là 400 (hiện nay là 200).

Trong 9 năm, sẽ xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc tế để cung cấp nhân lực trình độ cao cho hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đến 2020, có ít nhất 4 trường đại học xuất sắc đạt trình độ quốc tế. Còn số trường nghề đạt chuẩn này được xác định là trên 10.

Những giải pháp đột phá

Chiến lược đã đưa ra giải pháp  được cho là đột phá. Đó là đổi mới chính sách sử dụng nhân lực, trong đó  tách bạch, phân biệt rõ những khác biệt trong quản lý, sử dụng nhân lực giữa cơ quan hành chính nhà nước (cán bộ, công chức nhà nước) và các đơn vị sự nghiệp công lập (viên chức). 

Trên cơ sở đó, đẩy mạnh quá trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp công lập trong quản lý, sử dụng nhân lực.

Đồng thời, sẽ xây dựng quy chế (cơ chế và chính sách) giao nhiệm vụ theo các hình thức khoán, đấu thầu, hợp đồng trách nhiệm, thi tuyển... gắn với đãi ngộ dựa trên kết quả cuối cùng để khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo và khích lệ lòng tự tôn dân tộc, tôn vinh người tài và người có nhiều đóng góp cho đất nước.

Chiến lược cũng xác định xây dựng quy chế (tiêu chuẩn và quy trình) đánh giá nhân lực dựa trên cơ cở năng lực thực tế, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế và đãi ngộ tương xứng với trình độ năng lực và kết quả công việc.

Đáng lưu ý, chiến lược nêu rõ "sẽ khắc phục tâm lý, hiện tượng quá coi trọng và đề cao "bằng cấp" một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.

  • Vân Phong