Lễ hội đền Vua Mai là một nghi lễ tâm linh có từ hàng nghìn năm qua, xuất phát từ tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, mang ý niệm khơi trong, gạn đục, tẩy trần, cầu mong một mùa lễ hội viên mãn. 

Lễ rước nước xuất phát từ bến đò chợ Sa Nam di chuyển xuống dòng sông Lam, thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội đền Vua Mai (tên thật là Mai Thúc Loan) năm 2023. 

Trước khi diễn ra lễ rước nước vào đền Vua Mai, ban tổ chức làm lễ cúng báo cáo đức Vua, xin phép để việc xuống sông đi thuyền xin nước được diễn ra an toàn và thành công.

Ban tổ chức làm lễ xin đức Vua Mai trước khi làm lễ rước nước - Ảnh: Quốc Đàn

Ông Phan Bình Yên nằm trong tổ quản lý đền Vua Mai cho biết, lễ rước nước năm nay là việc làm truyền thống lâu đời trong lễ hội Vua Mai từ xa xưa đến nay trước khi khai lễ. 

“Việc rước nước trên dòng sông Lam vào đền Vua là muốn truyền đi thông điệp, đầu xuân năm mới mọi việc diễn ra trong lành mát mẻ, tận dụng nước tinh khiết giữa dòng sông để đưa về phụng thờ Vua. Cầu mong cho mọi người dân trong được bình an, vui vẻ, ấm no, hạnh phúc và rộng ra là cầu cho Quốc thái dân an” – ông Yên chia sẻ.

Cũng theo ông Yên, ngoài tổ chức lễ rước nước xuất phát từ đền Vua Mai đến khu vực sông Lam gần lăng mộ Vua yên nghỉ thì còn tổ chức các trò chơi thể thao dân gian như: Bóng chuyền, kéo co, đô vật, đua thuyền, đẩy gậy… trong 2 ngày tới.

Trao đổi VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đường - Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, nhằm tỏ lòng tôn kính  đức Vua Mai, từ trước đến nay người dân chọn nước giữa dòng sông Lam, đoạn giáp ranh xã Nam Thượng cũ và Vân Diên có mỏm đá lồi ra, xuất hiện dòng nước chảy xiết để chọn nơi múc nước.

Khiêng chum nước trang trọng gồm có 4 người nam và 6 người nữ đi từ đền Vua Mai xuống bến Sa Nam ở dòng sông Lam - Ảnh: Quốc Đàn

“Người dân lên thuyền, chọn vị trí này là nơi nước sạch nhất để rước nước từ giữa dòng sông Lam rồi đưa về đền làm lễ khai quang, lau chùi các đồ các đồ tế khí trên bàn thờ của đức Vua. Việc rước nước còn là tín ngưỡng của nhân dân ghi nhớ, tôn sùng đối với vị Anh hùng dân tộc đối với Hoàng đế Mai Thúc Loan” – ông Đường thông tin.

Cũng theo ông Đường, lễ hội có hơn 200 người tham gia đi rước nước trên các tàu thuyền và hàng ngàn người dân, du khách đến theo dõi. Việc này thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân tại địa phương có đền thờ đức Vua Mai.

Đoàn đi rước nước gồm có 2 thuyền lớn, mỗi thuyền gần 100 người; 2 thuyền đua có 22 người để biểu diễn thi chèo bơi và 5 thuyền nhỏ khác đi bao quanh để bảo vệ, cứu hộ đoàn rước nước khi cần thiết.

Đoạn sông từ đền thờ Vua Mai đi đến vị trí xin rước nước dài khoảng 2km. Người được chọn để múc gáo nước đầu tiên vào bình năm nay là ông Mai Văn Khuê (90 tuổi). Thời gian buổi lễ xin và rước nước diễn ra trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Sau khi múc nước xong thì đoàn thuyền quay ngược trở lại bến xuất phát và trang trọng khiêng nước vào đền thờ Vua Mai.

Lễ hội đền Vua Mai sẽ diễn ra trong ngày hôm nay và 2 ngày tiếp theo, với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch vui vẻ. Lễ hội năm nào cũng thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến tham gia và viếng thăm.

Một số hình ảnh ghi lại tuổi lễ rước nước vào đền Vua Mai.

Móm đá lồi ra ở đoạn sông Lam có cây gạo là phía trước khu lăng mộ Vua Mai - Ảnh: Quốc Đàn
Pháo khói được thả trên sông và đoàn thuyền đi rước nước - Ảnh: Quốc Đàn
Cụ ông Mai Văn Khuê (90 tuổi) người ở thị trấn Nam Đàn được chọn để múc gáo nước đầu tiên trên dòng sông Lam, đổ vào bình chứa nước - Ảnh: Quốc Đàn
Có khoảng 200 người ở trên 2 thuyền lớn phục vụ lễ rước nước từ sông Lam về đền Vua Mai - Ảnh: Quốc Đàn
Ông Phan Bình Yên nằm trong tổ quản lý đền Vua Mai bên bình nước được múc từ sông Lam về hôm nay - Ảnh: Quốc Huy