Theo ông Phương, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về xanh hóa chuỗi sản xuất và phát triển bền vững, đặc biệt là trước yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy định về môi trường từ các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ. 

Anh tin 7.jpg
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thế Phương chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ 9 (Ảnh: Bình Minh).

Các số liệu nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang rất thấp mặc dù mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn và là ngành chủ lực với tỷ lệ xuất khẩu cao. Có đến 90% doanh nghiệp trong ngành đang đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số.​

Nhấn mạnh rằng ứng dụng công nghệ số sẽ đóng vai trò chủ chốt để hướng tới tương lai hiện đại hóa và tăng tỉ lệ chủ động trên chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam, ông Phương lưu ý: Việc xây dựng cũng như tham gia vào nền tảng hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu là cần thiết không chỉ với từng doanh nghiệp để khai phá các tiềm năng kinh doanh mới mà còn kết nối và thúc đẩy cả ngành dệt may phát triển. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình khai thác hệ sinh thái dữ liệu, ông Phương khuyến nghị một số hành động cụ thể: Thiết lập khung quy định pháp lý và tiêu chuẩn chung; Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; Xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin và Thúc đẩy sự hợp tác giữa các các bên cung cấp dữ liệu…

Theo kết quả khảo sát cách đây ít lâu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VITAS) nghiên cứu chuyên sâu với hơn 300 doanh nghiệp dệt may trên cả nước về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5 của khảo sát.

Khoảng 80% doanh nghiệp dệt may vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, nguồn lực để tiếp cận, triển khai và sử dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp (với 84,4% lao động có trình độ phổ thông), trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%.

Kết quả khảo sát từ hơn 100 doanh nghiệp trong Báo cáo "Thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số ngành dệt may" (do Novaon Tech phối hợp VITAS thực hiện), có tới 50% doanh nghiệp trong ngành vẫn còn sử dụng Excel trong việc quản trị nguồn nhân lực thay vì áp dụng các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số; 85% doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị triển khai.

Một số “bài toán lớn” của ngành dệt may hiện nay đã được nhận diện: Một nền tảng tích hợp để quản lý tổng thể quá trình sản xuất dệt may, từ khâu quản lý đầu vào, đến sản xuất và quản lý đầu ra; Số hoá toàn bộ quy trình sản xuất lên Cloud (điện toán đám mây) để theo dõi được tiến độ sản xuất một cách dễ dàng hơn; Kết nối với các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) như màn hình hiển thị, tablet, máy tính, điện thoại, cảm biến, QR code, nút đếm... giúp cho nhà quản lý ra quyết định nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và dữ liệu có tính thời gian thực…

Bình Minh