"Thấy bố mẹ khóc trên đồng, tôi quyết về làm nông dân" 

Những ngày cuối tháng 8, dẫn cả đoàn đi thăm khu trồng rau công nghệ cao rộng tới 5ha ở Lương Tài (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Trâm (SN 1990), quê Nam Định gây ấn tượng với vẻ ngoài năng động, đầy tự tin. Trâm kể, ngày còn nhỏ bố mẹ luôn động viên cô cố gắng học giỏi để thoát ly, bởi làm nông nghiệp quá vất vả, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn nghèo.

Cố gắng học tập, năm 2012, Trâm tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải, sau đó lập gia đình. Vợ chồng Trâm đều có công việc ổn định với thu nhập khá. Song, nhiều lần cô chứng kiến cảnh bố mẹ ngồi khóc trên cánh đồng vì rau màu đến vụ thu hoạch, được mùa lớn nhưng không có đầu ra, phải bán giá rẻ, thiệt hại nặng.

Trong khi đó, Lương Tài lại là huyện thuần nông, đồng đất trù phú mà bà con nông dân vẫn nghèo. Thấy vậy, vợ chồng Trâm quyết định chỉ một người đi làm ở công ty, còn một người (là Trâm) nhận về nhà làm nông dân, dù bố mẹ hai bên nội ngoại đều phản đối. Hàng xóm khi đó cũng xì xào bàn tán, đoán Trâm chắc không làm việc được ở công ty nên mới phải về quê làm ruộng.

Mặc kệ lời can ngăn cùng những lời đàm tiếu, Trâm quyết tâm khởi nghiệp. Nhưng, thay vì làm nông nghiệp đơn thuần theo cách của ông bà ta xưa, Trâm muốn trồng một loại cây lâu năm, có giá trị cao, đầu ra ổn định. 

Lên mạng tìm kiếm, thấy cây măng tây khá mới, ít người trồng, Trâm tìm hiểu thông tin kỹ hơn. Được chỉ dẫn từ người bác sống ở Úc, Trâm mua được vài giống măng tây bên Mỹ về. Sau khi trồng thử nghiệm và chọn được giống thích ứng với khí hậu miền Bắc, cho năng suất cao, Trâm bắt trồng đại trà trên diện tích ruộng của gia đình theo hướng nông nghiệp sạch.

Trâm tâm sự, trồng măng tây kỹ thuật đã khó, đến khi có thành phẩm đem ra bán còn vất vả hơn nhiều. Bởi thời đó, măng tây là loại rau mới, giá rất đắt đỏ, tới 80.000 đồng/kg nên kén người ăn.

Có công việc ổn định với thu nhập khá, Trâm vẫn quyết định về quê khởi nghiệp trồng rau sạch (ảnh: Đức Yên)

“Tôi tự đi chào bán cho các nhà hàng. Còn phải tự vào bếp hướng dẫn họ chế biến. Cũng may, họ đồng ý dù mỗi nơi cũng chỉ mua 2-3kg”, Trâm nói.

Có những lần đi giao hàng, xe máy thủng xăm dắt bộ 2-3km, đến được điểm gửi hàng thì xe khách chạy mất, măng đem về hỏng hết, Trâm vừa dắt xe về vừa khóc. Rồi chuyện nhà hàng lấy măng nhưng quỵt tiền không trả, mất cả vốn lẫn lời.

Mỗi lần như thế rất nản, muốn từ bỏ quay trở về công ty làm, song Trâm thừa nhận “nếu bỏ ngang thì xấu hổ với giá đình”. Đâm lao phải theo lao, cô lại tiếp tục cố gắng. Kiên trì một thời gian, đầu ra của măng tây dần ổn định, cho thu nhập cao.

“Đến bây giờ tôi có những vườn măng tây 9 năm tuổi, trồng từ thời khởi nghiệp”, Trâm chia sẻ.

Bà chủ vựa rau công nghệ cao cho thu 18 tỷ/năm

Thành công với măng tây, vợ chồng Trâm tính trồng thêm các sản phẩm rau quả khác để đa dạng hóa sản phẩm giảm chi phí vận chuyển mỗi lần giao hàng. 

May mắn, lúc đó Trâm thầu được đất nông nghiệp bỏ hoang của xã. Sau khi khai hoang, cải tạo lại đất, Trâm chọn trồng rau ăn lá và mở rộng diện tích măng tây. Tuy nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng gay gắt sau đó lại mưa nhiều, rau hỏng hàng loạt. Có dịp xuống giống vài lần đều mất trắng. 

Thay bằng canh tác theo phương thức truyền thống, Trâm chọn làm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (ảnh: Đức Yên)

Không chịu bỏ cuộc, Trâm mượn sổ đỏ của bố mẹ, anh chị đem thế chấp vay lãi ngân hàng, thậm chí còn vay nặng lãi để lấy tiền xây dựng nhà lưới làm nông nghiệp công nghệ cao. Bởi Trâm nghĩ, chỉ có làm như vậy mới khắc phục được yếu tố thời tiết.

Ngay từ khi chuyển hướng làm nông nghiệp công nghệ cao, Trâm tính toán đầu tư hết tiền tỷ, rau quả chỉ cho lợi nhuận vài nghìn đồng 1kg nên phải chọn cây trồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao như dưa chuột baby, ớt chuông, cà chua chery, các loại rau thuỷ canh… 

Chỉ vào khu nhà lưới áp dụng quy trình công nghệ cao, Trâm cho hay, nhiều công đoạn áp dụng cơ giới hoá để giảm sức lao động, như sử dụng máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt... Đặc biệt, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ thủy canh Israel được áp dụng. 

Phân bón cũng được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhờ đó, cây phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc. Sản phẩm thu hoạch chất lượng luôn đảm bảo, mẫu mã đồng đều, năng suất cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống.

“Ban đầu cũng thất bại nhiều, sau đó tôi dần hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc. Bây giờ mọi thứ đều ổn, cây trồng cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Các sản phẩm tương đối đắt hàng, trong đó sản phẩm dưa chuột baby thường xuyên cháy hàng”. Trâm khoe. 

Các loại rau củ ở trang trại đều được trồng theo đơn đặt hàng của siêu thị, cửa hàng thực phẩm hay bếp ăn tập thể... (ảnh: Đức Yên)
Một năm Trâm thu tới 18 tỷ đồng từ rau quả (ảnh: Đức Yên)

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài diện tích 5ha rau sản xuất theo hướng công nghệ cao ở Lương Tài, Trâm tiếp tục mở rộng vùng sản xuất tại Quản Bạ (Hà Giang) với hơn 10ha chuyên trồng các loại rau trái vụ mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Hiện toàn bộ sản phẩm của công ty đều được trồng theo đơn đặt hàng của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể… Doanh thu từ 250 triệu đồng năm 2015 tăng lên 18 tỷ đồng năm 2021. Năm ngoái, bất chấp dịch bệnh, vợ chồng Trâm thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.

“Số tiền tiền thu được này tuy không nhiều nhưng là thành quả của sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực của vợ chồng tôi”. Trâm nói và nhớ lại thời mới khởi nghiệp, do thiếu vốn nên mọi công đoạn đều phải tính toán tiết kiệm. Một mình đảm nhận rất nhiều việc, từ ra đồng giám sát, đến thu hoạch, đóng gói, bốc xếp hàng rồi tự mình đi giao cho các đơn vị. Có ngày làm từ 5 giờ sáng đến quá nửa đêm, vợ chồng Trâm chỉ kịp mua mỗi người 1 ổ bánh mì vài nghìn ăn qua loa rồi làm tiếp.

Thời điểm này, vợ chồng Trâm đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng thuê 4,5ha đất ở huyện Lương Tài để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản. Mục tiêu, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ mở rộng vùng liên kết sản xuất để lấy nguyên liệu đưa vào chế biến. Như vậy, đầu ra nông sản của người nông dân sẽ ổn định hơn, nông sản sau chế biến dễ thâm nhập hơn vào các thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.