Ra đời, phát triển đến nay hơn 26 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ đạo, đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp.. và là một trong những Ngân hàng thương mại luôn đi đầu trong thực hiện tín dụng chính sách.
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới do Đảng lãnh đạo, cùng với những thành tựu to lớn của nền kinh tế đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của nước ta cũng đạt được nhiều kỳ tích khi xuất phát điểm từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới và khu vực, số hộ nghèo đói chủ yếu ở khu vực nông thôn đã giảm đáng kể. Thành tựu này đạt được có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp tích cực từ Agribank. Giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, qua các thời kỳ phát triển, Agribank luôn thực hiện tốt đầu tư cho “Tam nông” với dư nợ cho lĩnh vực này luôn chiếm trên 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trên 80% hộ nông dân khắp cả nước được tiếp cận vốn và các dịch vụ của Agribank, qua đó góp phần đưa kinh tế nông thôn phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra hàng chục triệu việc làm, thêm nhiều ngành nghề mới, tăng thu nhập, từng bước chuyển đổi mạnh mẽ từ kinh tế tự cấp, tự túc thành kinh tế sản xuất hàng hóa.
Ngay từ khi mới thành lập, Agribank chủ động tham gia đầu tư các chương trình lớn của Chính phủ như Chương trình nhập khẩu phân bón; Chương trình đầu tư ngành thuỷ sản; Chương trình Sống chung với lũ; Chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt; Các dự án trọng điểm quốc gia như Nhà máy điện Uông Bí, Khí đốt Nam Côn Sơn, Thuỷ điện Sơn La, Lọc dầu Dung Quất, Thuỷ điện Sê San... với số vốn cho vay lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg và giải pháp triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên toàn hệ thống. Để việc triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP có hiệu quả, Agribank đã tích cực phổ biến, quán triệt nội dung của nghị định đến toàn bộ đội ngũ nhân viên trong toàn hệ thống, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp, như: Quy định thực hiện Nghị định 41; Quy định về quy trình cho vay hộ gia đình cá nhân trong hệ thống Agribank; Văn bản hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn... Đồng thời, Agribank ký thoả thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua tổ vay vốn... Agribank cũng chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống quán triệt và triển khai đồng bộ các văn bản trên. Agribank luôn giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn nhanh, kịp thời cho nông nghiệp, nông thôn, giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình. Nhiều nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Từ khi được triển khai đi vào cuộc sống, Nghị định số 41/2010/NĐ- CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã mở ra cơ hội thoát nghèo và tạo cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, thực sự là đòn bẩy hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Điều quan trọng hơn là việc thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP còn góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen” vốn hoành hành ở nhiều vùng quê trong suốt thời gian dài. Riêng cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 14/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh số cho vay của Agribank năm 2013 tăng 15,3% so với năm 2012, và doanh số này luôn đảm bảo năm sau cao hơn năm trước.
Trong thực hiện tín dụng chính sách, Agribank triển khai các chương trình kinh tế, chương trình tín dụng của Chính phủ như: chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lương thực, cà phê; Cho vay tạm trữ thu mua lương thực theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 373a/QĐ-TTg ngày 15/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ...; Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg của Chính phủ...; đồng thời tiên phong và nghiêm túc thực hiện các văn bản hỗ trợ lãi suất của NHNN. Năm 2009, hoạt động trong bối cảnh bị tác động không nhỏ từ sự suy thoái của hầu hết các nền kinh tế lớn làm giảm thu hẹp thị trường xuất khẩu, thị trường vốn... song Agribank đã 02 lần giảm lãi suất cho vay đồng loạt đối với khách hàng từ 20,5% xuống 10,5%, với số tiền chia sẻ với khách hàng lên tới 4.300 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ lãi suất cho 1.337.651 khách hàng với 194.293 tỷ đồng. Năm 2010, Agribank bổ sung trên 40.000 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tập trung ưu tiên cho thu mua lương thực, mía đường, cá tra, cá ba sa, thu mua cà phê theo chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ; bổ sung nguồn vốn 5.000 tỷ đồng giúp người dân miền Trung vượt qua nỗi đau mất mát trong đợt lũ lịch sử trung tuần tháng 10/2010 để nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh v.v…
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Agirbank bắt đầu triển khai cho vay thí điểm ở 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 và từ tháng 4/2012 tiến hành cho vay trên diện rộng trong toàn quốc. Đến 31/12/2013, doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank đạt 122.621 tỷ đồng, là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay chương trình này. Về cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Thông tư 06/2009/TT-NHNN, trong năm 2013, Agribank đã cho vay 1.604 tỷ đồng, số khách hàng được hỗ trợ lãi suất lên tới 32.205 người. Năm 2013, Agribank triển khai Quyết định 1787/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại Quảng Ngãi, qua đó góp phần giúp ngư dân bám biển ở những ngư trường xa bờ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Gần đây, thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai thí điểm cho vay cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết sản phẩm thủy sản, sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên cả nước, như: cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra, rau màu, lúa nếp (An Giang), trồng hoa (Lâm Đồng), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)... Mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Cũng tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách, Agribank tích cực thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh thông qua triển khai hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện Mường Ảng và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên, đem đến cuộc sống mới cho người dân nơi đây.
Đến 31/6/2014, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 384.201 tỷ đồng, chiếm 71,6% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay các chương trình đều tăng trưởng tốt; dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng 2,6%.
Có thể khẳng định, cùng với việc đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, thông qua đi đầu trong thực hiện tín dụng chính sách, Agribank đã góp phần tích cực cùng hệ thống chính trị ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để hàng chục triệu hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng từ đồng vốn ngân hàng.
(Nguồn Dantri.com.vn)