Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Chung tay vì hành tinh của chúng ta”, được tổ chức tại TP.HCM, ngày 5/6 vừa qua. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) về Biến đổi khí hậu ở Dubai, tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, đây được xem là vấn đề cấp bách của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Tâm, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, biến đổi khí hậu đang khiến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung phải đối mặt nhiều thách thức hiện hữu như băng tan gây nước biển dâng, xâm nhập mặn; El Nino, La Nina gây hạn hán, lũ lụt; Nhiệt độ tăng cao gây nguy cơ cháy rừng, ảnh hưởng hệ sinh thái biển như mất san hô, bão lớn... Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cam kết mà đã có những lộ trình cụ thể trong việc xây dựng chính sách liên quan đến giảm phát thải nhà kính. Một trong những trụ cột quan trọng để đạt được mục tiêu này là ứng dụng công nghệ "xanh", các giải pháp đổi mới sáng tạo để ứng phó với biến đổi khí hậu. 

LynnHoang
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance. Ảnh: KN

Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance, công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh công cuộc chuyển đổi số để chuyển dịch theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, một số công nghệ như AI, Blockchain đang chứng minh được giá trị quan trọng của mình. 

“AI đang giúp các nhà khoa học xử lý dữ liệu, đẩy nhanh các tính toán, dự báo chính xác hơn về những biến đổi khí hậu, thiên tai, giảm thiểu rủi ro. Thuật toán AI cũng giúp các ngành công nghiệp hoạt động hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, xanh hơn. Trong khi đó, với đặc tính minh bạch và phân phối giá trị nhanh chóng trong mạng lưới phân tán, Blockchain đang giúp khuyến khích các hành vi phát triển bền vững”, bà Lynn Hoàng nói.

Cụ thể, công nghệ Blockchain có thể được sử dụng để tạo ra một thị trường minh bạch và hiệu quả hơn cho việc giao dịch tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép một công ty thải ra một lượng khí nhà kính nhất định. Bằng cách sử dụng Blockchain, các công ty có thể dễ dàng mua và bán tín chỉ carbon từ nhau, giúp giảm tổng lượng khí thải. Công nghệ này cũng có thể giúp làm cho chuỗi cung ứng trở nên minh bạch hơn bằng cách ghi lại toàn bộ quá trình sản xuất và vận chuyển sản phẩm. Điều này giúp người tiêu dùng biết sản phẩm của họ được sản xuất và vận chuyển theo cách bền vững. Các doanh nghiệp có thể theo dõi và giảm thiểu lượng phát thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ.

Chuyengiahoithao
Các chuyên gia tại diễn đàn. Ảnh: KN

Cùng quan điểm, ông Lê Yên Thanh, CEO BusMap cho rằng, công nghệ Blockchain sẽ đóng góp quan trọng trong việc theo đuổi mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Ông Thanh dẫn minh chứng, từ 2020, BusMap đã hợp tác cùng VinBus xây dựng hệ thống đo lường, tính toán để quy đổi số km xe điện đã di chuyển đến nay, có thể quy ra được khoảng 37 triệu tấn carbon, tương ứng 1,5 triệu cây xanh để trồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không biết làm cách nào để có thể quy đổi thành tín chỉ carbon, có thể đưa ra thị trường, tạo giá trị. Việc không có định lượng rõ ràng khiến doanh nghiệp không biết việc mình theo đuổi có thể mang lại giá trị như thế nào.

Ở góc nhìn vĩ mô, ông Hà Trung Kiên, CEO Gapo cho rằng, có rất nhiều giải pháp từ công nghệ áp dụng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, từ AI, BigData để đưa ra dự báo chính xác đến IoT trong nông nghiệp, vận hành, tối ưu hóa tài nguyên.

Theo ông Hà Trung Kiên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể tách rời việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình, hạn chế tối đa việc sử dụng các tài nguyên không thân thiện với môi trường hoặc sử dụng những vật liệu mà phải khai thác từ thiên nhiên. 

Tuy nhiên, theo bà Lynn Hoàng, trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài những chuyện công nghệ, đổi mới, về lâu dài, cần phải “đứng trên mặt đất”, nhìn rõ và giải quyết ngay những vấn đề hiện tại cộng đồng đang phải đối mặt. Ví dụ như ngập mặn, khô hạn ở miền Tây là vấn đề cấp bách, cần giải quyết trước, trong khi bàn về những câu chuyện vĩ mô như tín chỉ carbon.