Hình như "nghiệp chữ" chỉ trả công, chỉ vinh danh thích đáng cho những ai nhọc nhằn, đổ mồ hôi sôi nước mắt với chữ.
Đào Dục Tú: Chẳng tác phẩm nào sống được vài thập kỷ?
Tác phẩm lớn xứng tầm thời đại ai cũng thấy đòi hỏi tài năng bao quát hiện thực của cả một thời kỳ lịch sử, phản ánh trung thực không tô hồng hiện thực. Cuộc đời thế chứ không phải cuộc đời muốn là như thế theo kiểu "lãng mạn hời hợt". . . Ngót nửa thế kỷ qua người đọc vẫn trông chờ "tác phẩm lớn" không phải của một thời đoạn mà là của cả một thời đại họ đang sống!
Hình như "nghiệp chữ" chỉ trả công, chỉ vinh danh thích đáng cho những ai, nói như cụ Trần Dần "thủ lĩnh trong bóng tối" thồ chữ ở xứ này lên. . . .Hay nói như cụ Lê Đạt, phu chữ, nhọc nhằn, đổ mồ hôi sôi nước mắt với chữ. Ấy là chỉ nói ,"nghiêng nói" về nghề, về cái đạo văn chương thời nào cũng vậy.
Để phần nào phân biệt với đủ thứ người viết lập thân bằng đủ thứ nghề khác nhau, kinh lịch khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm là đơn giản hóa công việc cầm bút, dễ dãi với chữ đến mức trong thực tế xem chữ như luận đề tuyên truyền thời sự, có khi rất xa đời sống xã hội. Họ quên rằng chữ có đời sống riêng của nó, cũng như hình tượng nghệ thuật muốn sống được trên trang giấy trắng mực đen phải có đời sống riêng,"nhân cách" riêng, cá tính riêng điển hình của nó.
Thời cụ Nam Cao, cụ đâu được thừa hưởng. . . lý thuyết đó ! Cặp bài trùng Chí Phèo- Thị Nở chẳng những không bị thời đại hậu hiện đại "át vía" mà còn hình như sống động hơn xưa! Hay tại bởi "hiện thực đời sống" thời nay số lượng Chí Phèo các kiểu càng ngày càng đông đúc, đi tới đâu cũng không khéo vào nhầm phải làng . . Vũ Đại?
Tiếc thay hình tượng con người mới trong văn chương mấy chục năm nay chả có nhân vật nào sống động được như anh Chí, chị Nở! Hình như lão Khúng của bác Châu "khách ở quê ra" tỉnh cũng mờ dần. Các lão "Khùng" có cơ lấn lướt xô đẩy lão Khúng vào một xó quên lãng rồi cũng nên!
Chưa kể đến những người lính trong "Dấu chân người lính" hay "Mảnh trăng cuối rừng" hình như chỉ còn phảng phất như mơ trong tâm cảm lớp người thuộc diện " xưa nay hiếm" mỗi khi họ "chống mắt ,dỏng tai" ngồi xem truyền hình nhà nước chiếu lại cảnh Trường Sơn năm xưa "Ai chưa tới đó thì chưa hiểu mình" (Tố Hữu).
Trước khi có lời đáp bao giờ xuất hiện tác phẩm văn học xứng tầm, chắc chắn phải có lời giải trình thuyết phục được độc giả bởi chính người cầm bút; là làm gì, làm thế nào để có được tác phẩm "đẹp như mơ" như thế? Hiện thực đời nào cũng "hoành tráng theo kiểu riêng của nó" vấn đề chỉ còn ở chỗ tinh thần người cầm bút có thực sự "trọng chữ nghĩa", "trọng danh dự nhà văn" ở mức cần thiết hay cao hơn ,"trên cả mức cần thiết" cho văn chương hay không mà thôi?
Minh Phước: Tầm chưa lớn sao tác phẩm lớn được?
Một tác phẩm văn chương dù hay đến mấy nhưng đi đến đâu cũng bị nhà xuất bản lắc đầu, không cấp giấy phép… thì nó khó có thể tiếp cận, phổ cập đến công chúng. Nhưng trong thời đại truyền thông mạng hiện nay, vấn đề tưởng chừng như khó khăn kia có thể được giải quyết một cánh nhanh chóng dễ dàng.
Hãy “ném” đứa con tinh thần của mình lên internet nếu như những người cầm bút ấy thật sự muốn tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Và hãy chờ, thời gian và bạn đọc sẽ khách quan công bằng “định đoạt” nó…
Xin không đề cập sâu đến lĩnh vực báo chí, xét riêng về văn học, một tác phẩm văn học lớn, xuất chúng sẽ trường tồn mãi theo thời gian và có sức ảnh hưởng lan tỏa lâu dài tiếp nối đến từng thế hệ người đọc. Nó phản ánh, tác động lớn đến xu hướng quan điểm xã hội đương đại hoặc là dự báo, dự đoán những viễn cảnh của… tương lai.
Để cho ra những tác phẩm để đời phụ thuộc chủ yếu vào cái “tôi”, cái “tầm” của người viết, nhưng để đánh giá cho đúng cái “tôi”, cái “tầm” ấy lại phải dựa vào chính tác phẩm của họ và sự chọn lọc có tính liên tục của thời gian.
Giải thưởng văn học thì năm nào cũng có, từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Trại sáng tác năm nào cũng có, quy tụ rất nhiều những cây bút già, trẻ, gái, trai… khắp nơi trong cả nước. Nhưng cái chưa có, chưa xuất hiện là những “tác phẩm lớn”, vậy thì những tác phẩm đó đang nằm ở đâu?
Trong blog của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới đây có một lời kính báo: “Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân v..v.. và v..v..Vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm… vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không cần biết đến dân tình thế nào, đất nước ra sao”
Tôn trọng quan điểm riêng tác giả, nhưng cái “trách nhiệm khai dân trí” ở trên hình như đâu chỉ dành riêng cho nhà văn, nó là trách nhiệm của mọi công dân, mọi thành phần trong xã hội. Còn đã mang tiếng nhà văn, trách nhiệm ý nghĩa nhất là phải tập trung sáng tác, phải thai nghén “mang nặng đẻ đau” những tác phẩm “lớn” cho đời, trừ khi “tầm vóc” năng lực của mình không đủ, không tới mà thôi…
Cũng trong lời kính báo ở trên, người viết rất tâm đắc khi nhà văn Nguyễn Quang Lập trích dẫn câu nói của Cao Hành Kiện “Sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được. Ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về phe nhóm, trào lưu chính trị nào đó thì hắn mới tự do hoàn toàn”
Như vậy, nếu ai đó tin rằng nền văn học nước nhà hiện nay chưa có được những “tác phẩm lớn” thì có thể dùng những nguyên nhân ở trên để giải thích. Đó là vì nền văn chương chưa đủ sức lớn, vì nhà văn chưa đủ tầm, vì nhà văn sung sướng hạnh phúc quá, vì nhà văn ham giải thưởng quá, vì nhà văn thích tham gia chính trị quá…
Riêng người viết thì có niềm tin rằng, biết đâu, những “tác phẩm lớn” đã và đang âm thầm ra đời từ những người thật sự yêu văn, yêu thích viết văn. Họ có thể là những người không chuyên, những người vô danh, họ sáng tác vì cái tôi, vì niềm đam mê riêng, nỗi niềm riêng của họ. Không cần phải báo chí, không cần phải hội đoàn, không cần phải nhà xuất bản, và nếu muốn, internet sẽ nối kết những tác phẩm của họ đến với công chúng.
Rồi thời gian và công chúng sẽ là thước đo chính xác cho tác phẩm của họ.
Điều quan trọng nhất vẫn là không ngừng tư duy, không ngừng sáng tạo và hãy viết chúng ra…
Đào Dục Tú - Minh Phước