- "Thường hậu quả xảy ra từ việc nhậu say, dẫn đến TNGT thì CSGT phải xử lý; hậu quả hình sự xảy ra xuất phát từ rượu bia thì cảnh sát hình sự xử lý, nhưng ai là người kiểm tra, xử lý việc bán rượu, bia sau 22 giờ thì cần phải rõ ràng".
Trao đổi với VietNamNet, một số cảnh sát tỏ ý ủng hộ Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra, trong đó có quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ.
Trung tá Lê Thanh Hùng, Trưởng Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội cho VietNamNet biết, ông ủng hộ Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra, trong đó có quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, bởi hàng ngày ông nhìn rõ những hệ lụy.
Theo ông Hùng, không phải tất cả những người nhậu đêm đều là thành phần xấu, nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp của ông cho thấy, những quán nhậu đêm là 'điểm tụ tập lý tưởng' của những thành phần phức tạp, côn đồ.
Tuần tra đêm là công việc thường xuyên của người cảnh sát và qua những lần tuần tra, ông Hùng hay gặp những người say xỉn, phải đưa về trụ sở công an phường, gọi người nhà đến giải quyết.
Thực tế, không ít vụ trọng án xuất phát từ việc hung thủ uống rượu bia say xỉn. Năm 2012, phường Kim Mã đã xảy ra vụ trọng án khi kẻ nát rượu sau khi có hơi men đã đâm chết một tự quản phường.
Nhậu đêm Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Và còn nhiều những vụ bạo hành gia đình mà nguyên nhân xuất phát từ việc người chồng là kẻ nát rượu...
"Việc cấm là đúng, nhưng việc xử lý cần phải giao cho đơn vị nào thì phải rõ ràng. Thường hậu quả xảy ra từ việc nhậu say, dẫn đến TNGT thì CSGT phải xử lý; hậu quả hình sự xảy ra xuất phát từ rượu bia thì cảnh sát hình sự xử lý, nhưng ai là người kiểm tra, xử lý việc bán rượu, bia sau 22 giờ thì cần phải rõ ràng", ý kiến của trung tá Hùng.
Cũng theo ý kiến của ông Hùng, để ngăn chặn tình trạng rượu bia vô độ, cần đánh thuế cao các nhà sản xuất rượu, bia. Và việc cấm phải thực hiện ở mọi nơi, ngay cả các quán bar. Việc xây dựng lộ trình cấm rượu bia sau 22 giờ là việc làm đúng đắn.
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, làm nhiệm vụ ở cầu Chương Dương, hàng ngày ông phải chứng kiến nhiều người dân tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn vào ban đêm.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện thông không làm chủ được tốc độ do trước đó đã uống quá say.
Chính vì thế, ông Đoàn ủng hộ Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra, trong đó có quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ.
"Làm nhiệm vụ ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều người tham gia giao thông vì say rượu mà lái ô tô đâm vào thành cầu, gây tai nạn nghiêm trọng. Việc uống bia rượu không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây nguy hại khi người điều khiển giao thông trong tình trạng say xỉn.
Tôi ủng hộ Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế vừa đưa ra, trong đó có quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có lộ trình", lời ông Đoàn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) năm 2014: Ở Việt Nam 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia, 68% dẫn đến bạo lực gia đình và 38% gây rối trật tự an toàn xã hội. Các bệnh lý nguy hiểm do sử dụng rượu, bia cũng gia tăng chóng mặt.
Theo số liệu của WTO năm 2010, dù thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trong số 10 nước khu vực ASEAN nhưng lượng tiêu thụ rượu, bia lại cao, đứng hàng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. |
- T.Nhung