Tổ chức hợp tác liên nghị viện các nước ASEAN (AIPO) là một thực thể hợp tác của nghị viện các nước thành viên ASEAN nhằm giải quyết những mối quan tâm chung và thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng theo các nguyên tắc và mục tiêu trong Điều lệ.

Theo TS. Ngô Đức Mạnh, sự ra đời của AIPO góp phần đáp ứng nguyện vọng của nghị viện các nước xây dựng Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững của nhân dân các nước trong khu vực. Các nghị sĩ, với vai trò là người đại diện của nhân dân, đã tích cực tạo ảnh hưởng đến cộng đồng để giữ vững tinh thần hợp tác trong nhân dân ASEAN.

{keywords}
Đại hội đồng AIPA– 42 vừa khai mạc hôm 23/8

Theo Điều lệ của AIPO và nay là Hội đồng liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) được đổi tên vào năm 2006, hàng năm Đại hội đồng của AIPA sẽ họp một lần do Nghị viện một quốc gia thành viên AIPO đăng cai tổ chức tại nước mình, luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh của tên các nước thành viên.

Từ năm 1978 cho đến nay, AIPA đã có 42 kỳ họp Đại hội đồng và từ 5 nước thành viên ban đầu, số lượng các nước tham gia AIPO cũng đã dần tăng lên, song hành cùng với sự lớn mạnh của ASEAN. Nghị viện các nước thành viên mới tham gia AIPO trước hết với tư cách là thành viên hay Quan sát viên đặc biệt sau khi gia nhập ASEAN.

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và sau đó được kết nạp làm thành viên của AIPO; tiếp đó là Lào vào năm 1997, Campuchia vào năm 1999. Điều này cho thấy, có mối quan hệ chặt chẽ giữa sự mở rộng thành viên AIPO gắn liền với sự mở rộng của ASEAN.

Trong một thời gian dài, Brunây và Liên bang Myanmar không có cơ quan lập pháp nên được hưởng quy chế Quan sát viên đặc biệt. Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1984, Brunây tham gia các Đại hội đồng AIPO với tư cách Quan sát viên và trở thành Quan sát viên vĩnh viễn từ năm 1993.

Đến năm 2009, tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 30 tại Pattaya - Thailan đã xem xét và thông qua nghị quyết công nhận Hội đồng lập pháp của Brunây là thành viên chính thức của AIPA. Myanmar tham gia các hoạt động của AIPO với tư cách Quan sát viên Đặc biệt từ năm 1997 và được hưởng quy chế Quan sát viên Đặc biệt thường xuyên từ năm 1999 và trở thành thành viên đầy đủ của AIPA tại Đại hội AIPA lần thứ 32 ở Campuchia (tháng 9/2011) sau khi nước này ban hành Hiến pháp mới và tổ chức bầu cử Nghị viện.

Như vậy, đến nay, Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á có 10 thành viên gồm Hội đồng lập pháp Brunây, Quốc hội Campuchia, Quốc hội Inđônêxia, Quốc hội Lào, Nghị viện Maylaysia, Nghị viện Philippines, Quốc hội Singapo, Quốc hội Thái Lan, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Mianma.

Việc thông qua Điều lệ của AIPA vào ngày 17/04/2007 thay thế cho Điều lệ AIPO trước kia đánh dấu việc chuyển đổi từ Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) thành Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA).

Nhận xét về sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia cho rằng sự chuyển đổi từ AIPO sang AIPA không chỉ đơn thuần là chuyển đổi từ ngữ, mà có ý nghĩ sâu sắc, thể hiện nguyện vọng của các dân tộc ASEAN mong muốn AIPO ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Việc cải tiến cơ cấu tổ chức của AIPA như Chủ tịch, Ban chấp hành, ủy ban thường trực cũng như việc tăng cường vai trò của Tổng thư ký AIPA trong Quy chế mới sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức trong tương lai, cho thấy AIPA đang hướng đến một mô hình hợp tác liên nghị viện hoạt động hiệu quả và hợp tác chặt chẽ hơn giữa nghị viện các nước ASEAN.

Đại hội đồng là cơ quan cao nhất trong AIPA. Điều lệ của tổ chức này quy định Đại hội đồng là cơ quan hoạch định chính sách của AIPA và họp mỗi năm ít nhất một lần, trừ khi Ban Chấp hành quyết định khác. Đại hội đồng AIPA bao gồm các đoàn đại biểu của mỗi nghị viện thành viên, theo đó, số lượng mỗi đoàn đại biểu tham gia Đại hội đồng có không quá 15 người, do Chủ tịch Quốc hội hoặc người đại diện của Chủ tịch dẫn đầu, trong đó có ít nhất ba thành viên của đoàn là nữ nghị sĩ. Để đảm bảo tính liên tục, khi có thể, các Nghị viện thành viên sẽ cố gắng cử ít nhất là năm thành viên nghị viện mình tham dự hai kỳ họp Đại hội đồng liên tiếp. Đại hội đồng có thể mời các Quan sát viên đặc biệt, các quan sát viên và khách mời tham dự các kỳ họp.

Đại hội đồng AIPA họp thường niên do nghị viện nước đăng cai được lựa chọn theo cơ chế luân phiên abc giữa các quốc gia thành viên trừ khi Đại hội đồng có quyết định khác.

Trong trường hợp nước chủ nhà không thể tổ chức kỳ họp Đại hội đồng thì Ban chấp hành sẽ họp quyết định địa điểm. Cho đến nay, đã có 8 quốc gia tổ chức các kỳ Đại hội đồng gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan đã tổ chức 6 kỳ; Malaysia, Philippines đã tổ chức 5 kỳ, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức 2 kỳ và Lào tổ chức 1 kỳ.

Chương trình nghị sự thảo luận tại Đại hội đồng AIPA do Ban Chấp hành xem xét và quyết định theo nguyên tắc đồng thuận. Tuy nhiên, các đề nghị, kiến nghị khác cũng có thể được thảo luận ngay tại phiên họp toàn thể nếu Đại hội đồng nhất trí trên nguyên tắc đồng thuận sau khi kiến nghị được trình bày tóm tắt. Đại hội đồng có thể thông qua các sáng kiến về chính sách, đề xuất sáng kiến lập pháp về những vấn đề cùng quan tâm dưới dạng nghị quyết. Các quyết định của Đại hội đồng về bất cứ vấn đề nào phải được sự đồng thuận của tất cả các đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Những vấn đề không nhận được sự đồng thuận sẽ bị bỏ qua và không được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng.

Thông thường, tại mỗi kỳ Đại hội đồng AIPA có các phiên họp toàn thể và các phiên họp của các ủy ban chuyên đề của Đại hội đồng. Tại các phiên họp của Ủy ban chuyên đề, mỗi nước thành viên AIPA có thể đề xuất các sáng kiến của mình để thảo luận. Nước chủ nhà Đại hội đồng sẽ chuẩn bị dự thảo nghị quyết về từng vấn đề được thảo luận tại Ủy ban. Dự thảo nghị quyết đó được Ủy ban thông qua khi nhận được sự nhất trí của nghị sĩ đại diện cho nghị viện các nước thành viên AIPA tham gia vào Ủy ban đó theo nguyên tắc đồng thuận.

Tiếp đến, dự thảo nghị quyết được Ủy ban trình với Đại hội đồng tại phiên họp toàn thể và phải được sự nhất trí hoàn toàn của các Đoàn đại biểu nghị viện thì nghị quyết đó mới trở thành nghị quyết của Đại hội đồng. Theo Điều lệ AIPA thì Chủ tịch Nghị viện nước đăng cai kỳ họp Đại hội đồng sẽ là Chủ tịch AIPA, đồng thời là Chủ tịch Đại hội đồng. Các trưởng Đoàn nghị viện thành viên khác là các Phó Chủ tịch Đại hội đồng.

Trong trường hợp Chủ tịch AIPA không thể điều hành Đại hội đồng vì một lý do nào đó, một trong các Phó Chủ tịch sẽ điều hành Đại hội đồng. Nhiệm kỳ của Chủ tịch AIPA thường là một nămbắt đầu ngay sau khi bế mạc kỳ họp Đại hội đồng này và kéo dài cho tới khi kết thúc kỳ họp Đại hội đồng tiếp theo. Chủ tịch AIPA có trách nhiệm thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của AIPA, hợp tác với Nghị viện các nước thành viên ASEAN nhằm tăng cường thể chế nghị viện và vai trò của các nghị sĩ trong các vấn đề của khu vực ASEAN. Chủ tịch AIPA đồng thời là Chủ tịch Ban Chấp hành, có quyền triệu tập Hội nghị Ban chấp hành vào thời gian và tại địa điểm cần thiết.

Chủ tịch AIPA điều khiển các cuộc họp của Ban Chấp hành. Các Phó Chủ tịch do các Nghị viện thành viên AIPA đề cử hỗ trợ Chủ tịch trong việc điều hành. Chủ tịch AIPA khi được mời sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và có quyền mời Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN hoặc đại diện tham dự Đại hội đồng AIPA và các hội nghị AIPA khác.

Hà Yên (tổng hợp)