Theo Nikkei Asia Review, thống kê mới cho thấy trong năm 2020, lượng người dùng tích cực trên nền tảng thương mại điện tử của Pinduoduo đạt 788 triệu người, tăng 35% so với năm ngoái. Trong khi đó, Alibaba có 799 triệu người dùng tích cực.
Các chuyên gia thị trường cho biết mô hình mua hàng theo nhóm của Pinduoduo cho phép người dùng ghép nhóm mua cùng một sản phẩm với mức giá thấp hơn so với mua riêng lẻ. Do đó, thị phần của Pinduoduo tăng mạnh tại các thành phố nhỏ và vùng nông thôn Trung Quốc.
Trên thực tế, Alibaba vẫn dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc về quy mô giao dịch (khoảng 50% thị phần). Alibaba có lợi thế ở các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn và chi tiêu mua sắm nhiều hơn.
Alibaba đối mặt nguy cơ mất vị thế dẫn đầu bởi sự vươn lên của các đối thủ mới nổi. Ảnh: Reuters. |
Rất nhiều đối thủ
Sự trỗi dậy của Pinduoduo và các đối thủ mới nổi khác khiến Alibaba phải lo ngại. Tháng trước, CEO Alibaba Daniel Zhang nói với các nhân viên rằng công ty có ba "kẻ thù". Đó là gồm Pinduoduo, dịch vụ giao đồ ăn Meituan và ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng video TikTok.
Cuộc chiến sẽ cực kỳ khốc liệt. Alibaba coi mảng giao hàng là một trong những động lực tăng trưởng chính, nhưng startup giao hàng Ele.me của hãng lại có thị phần nhỏ hơn nhiều so với đối thủ Meituan.
Trong khi đó, ByteDance bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực thương mại điện tử khi ra mắt dịch vụ thanh toán di động hồi tháng 1. ByteDance có hơn 600 triệu người dùng tại Trung Quốc và hoàn toàn có thể "xâm lấn" các vùng đất của Alibaba.
Alibaba bị đánh giá là chậm chạp trong việc phản ứng với các xu thế thương mại điện tử mới, ví dụ như mua theo nhóm hay mua sản phẩm tươi sống online. Trước đây, người tiêu dùng Trung Quốc không thích mua sản phẩm tươi sống trực tuyến, nhưng tình hình đã thay đổi rõ rệt sau đại dịch Cvid-19.
Pinduoduo đang đe dọa vị thế của Alibaba. Ảnh: Reuters. |
Các đối thủ như Pinduoduo và Meituan đã triển khai những dịch vụ mới này tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. JD.com - công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc - cũng có bước chuyển đổi hiệu quả. Ngược lại, Alibaba chậm chân trong việc nghiên cứu và tiến hành các dự án mới một cách nghiêm túc
Bộ phận mua hàng theo nhóm của công ty chỉ vừa thành lập đầu năm nay, trong khi dịch vụ này đã được Pinduoduo triển khai từ lâu.
Thách thức bủa vây
Bên cạnh đó, việc chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát đã gây áp lực lớn lên. Tình hình trở nên căng thẳng từ hồi tháng 10/2020, khi tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba - chỉ trích dữ dội hệ thống ngân hàng - tài chính của Trung Quốc.
Ngay sau đó, startup tài chính Ant Group - công ty chị em của Alibaba - phải đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Thượng Hải và Hong Kong. Alibaba cũng bị điều tra về hành vi kinh doanh độc quyền.
Mới đây, Wall Street Journal đưa tin Bắc Kinh buộc Alibaba thoái vốn khỏi mảng truyền thông, bao gồm cả báo South China Morning Post và mạng xã hội Weibo Sina.
Nhà chức trách khám xét trụ sở Alibaba tại thành phố Hàng Châu để phục vụ cuộc điều tra chống độc quyền. Báo chí phương Tây cũng đưa tin Alibaba có thể phải nộp khoản phạt kỷ lục, lên đến gần 1 tỷ USD.
Rắc rối bủa vây Alibaba sau khi tỷ phú Jack Ma chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Giữa muôn trùng vây, mới đây Ant Group mới đây lại thông báo CEO Simon Hu xin từ chức. Giá cổ phiếu Alibaba niêm yết ở Hong Kong lao dốc 20% so với mức đỉnh nhiều tin dữ.
Giới quan sát nhận định áp lực đang đè nặng lên Alibaba sẽ tiếp tục gia tăng. Hồi đầu tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chính quyền nước này cần giải quyết nhiều vấn đề đang tồn tại để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của "nền kinh tế nền tảng".
Nhận xét này được cho là nhắm vào các công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc, mà điển hình là Alibaba.
(Theo Zing)