Nhớ tới đóng góp của bà Ba Thi, người ta không thể quên những hình ảnh day dứt một thời: Từng đoàn người, rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, với những vẻ mặt khinh khỉnh của các mậu dịch viên gạo...
Ám ảnh gạo mậu dịch: cơn “địa chấn” mang tên Ba Thi
Kỳ 2: “Ông Kim Ngọc” ở Hải Phòng và ngoại giao Ba ĐìnhKỳ 1: Đêm trước đổi mới và 'anh Ba-Lê Duẩn, anh Năm-Trường Chinh'
Tên tuổi bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là bà Ba Thi nổi lên như cồn khi bà là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Bà được coi là người nổ phát súng đầu tiên vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của thành phố mang tên Bác.
Bà cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vào thời kỳ đó.
Bà Ba Thi nổi tiếng là vậy nhưng hành trình tìm nhân chứng và tư liệu để dựng lại chân dung về bà thật khó khăn.
Bà Ba mất đã gần 6 năm. Tôi tìm đến nhà con gái bà là bác sĩ Nguyễn Hồng Thảo ở 65 Trương Định, quận 3, TP Hồ Chí Minh nhiều lần vẫn không gặp. Đến Công ty Lương thực thành phố ở số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, rủi cho tôi là cả ban giám đốc đều đi vắng.
Anh Võ Việt Triều, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty cũng không biết nhiều về vị nữ giám đốc anh hùng nổi tiếng một thời của mình.
Lục tìm sổ sách và danh bạ điện thoại một hồi, anh Triều chợt nói như reo lên: "Đây rồi! Hai người này có thể giúp anh tìm hiểu về cô Ba nhiều đấy. Chị Kim Anh, phụ trách hành chính của Công ty thời đó và chị Út Hiền, cùng Tổ Thu mua lúa gạo với cô Ba từ những ngày đầu...".
"Phá rào" đi thu mua gạo
Theo hẹn với chị Kim Anh và Út Hiền, ngay tối hôm ấy tôi có mặt tại nhà số 3 Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Cũng khá bất ngờ vì đây là địa chỉ mà tôi cũng dự kiến tìm đến trong chuyến công tác này để viết về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người mẹ có 3 con là liệt sĩ và đến đây tôi mới biết bà chính là mẹ chồng của chị Kim Anh.
Câu chuyện về nữ giám đốc anh hùng Ba Thi như thước phim chầm chậm hiện về trong ký ức những người cộng sự thân thiết một thời của bà...
Bà Ba Thi. Ảnh chụp lại. |
Sau giải phóng, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước, với khoảng 4 triệu người nên nhu cầu lương thực rất lớn.
Ngoài phần lúa gạo do các huyện nông thôn ngoại thành tự sản xuất, hằng tháng thành phố phải cần có tối thiểu 4 vạn tấn lương thực, trong đó lượng gạo ăn cho đối tượng phi nông nghiệp là 3 vạn tấn, còn 1 vạn tấn để cung cấp cho công nghiệp chế biến, cho các cơ sở ăn uống công cộng, khách vãng lai và hàng trăm hội nghị của các ngành, các cấp.
Khi thành phố áp dụng chế độ bao cấp lương thực, tình hình cung cấp lương thực luôn luôn gặp khó khăn.
Những năm 1977, 1978, mùa màng thất bát, thành phố phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì (sắn), bo bo thay cho lượng gạo tiêu chuẩn. Khoai lại được giao ồ ạt trong mùa mưa, các cửa hàng gạo "ép" dân mua một lần cho hết tiêu chuẩn, đem về tiêu thụ không hết, lại phải bỏ đi. Vậy là thiếu gạo và khoai cũng hết.
Tình hình lương thực thành phố căng thẳng quá, thành ủy, UBND họp ngày đêm để tìm cách giải quyết mà chưa có phương án khả thi.
Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị dứt khoát: "Không để một người dân chết đói".
Sau nhiều trăn trở, bà Ba Thi, khi đó là Phó giám đốc Sở Lương thực thành phố dũng cảm đề xuất: "Đi về Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu mua gạo đem về phục vụ cho đồng bào thành phố".
Chị lập luận: Thành phố đang thiếu gạo trầm trọng, trong khi đó, ở một số địa phương khác lại dư lúa, thừa gạo, thậm chí lúa để ẩm mục, làm phân, gạo đen cho gà ăn không hết...
Tại sao không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu, đang rất cần cho cuộc sống hằng ngày?
Ý kiến này được lãnh đạo thành phố chấp thuận và từ đó "Tổ Thu mua lúa gạo" ra đời. Với ý tưởng này, bà đã góp phần giúp thành phố "phá rào", phá thế cô lập và tuyên chiến với tệ ngăn sông cấm chợ khi ấy.
Chị Út Hiền nhớ lại: "Lúc đầu, tổ chỉ có 8 người do chị Ba Thi làm tổ trưởng. Tổ có 1 lái xe, 2 kế toán viên, còn lại thì làm nhiệm vụ đi thu mua. Đến Hậu Giang, chị cùng cán bộ hội phụ nữ tỉnh xuống huyện Phụng Hiệp, địa phương có nhiều lúa trong tỉnh và được chị em nhiệt tình hưởng ứng.
Cán bộ hội còn điều được 2 chiếc ghe có trọng tải 100 tấn đến chợ để thu mua lúa gạo, rồi đưa lên xe vận tải chở về thành phố. Tổ thu mua về tận các xã ấp, chèo xuồng ghe luồn lách qua các kênh rạch chằng chịt, vận động bà con bán lúa gạo cho thành phố.
Cũng với phương thức này, tổ đến tỉnh Minh Hải và cũng đã mua được lúa gạo với số lượng cao".
Quá trình đi thu mua, bà Ba Thi còn phát hiện ra một điều, cũng do bị cô lập, do tệ ngăn sông cấm chợ mà hàng hóa không lưu thông được.
Ở nông thôn, nông dân cần dầu lửa thắp đèn, cần vải đen may quần áo đi làm ruộng, cần thuốc chữa trị bệnh lúc ốm đau... mà không có để mua, dù trong tay có tiền.
Lý do thật đơn giản, nền công nghiệp của ta sản xuất theo kế hoạch kiểu cũ, chỉ đủ phân phối theo định lượng cho cán bộ công nhân viên, không có dư để bán cho dân, trong khi nguồn hàng dự trữ từ trước giải phóng nay đã cạn.
Trước thực trạng đó, bà Ba Thi kiến nghị phải có hàng hóa để đổi ra lúa gạo, nói nôm na là hàng hai chiều.
Được trên nhất trí, tổ thu mua đã đưa 200 nghìn lít dầu lửa đến chợ Cà Mau. Thành phố xuất 1 triệu mét vải bông và vải đen, hàng xe thuốc tây mang đến Minh Hải...
Các chị rao với bà con nông dân là sẽ đổi các hàng hóa đó lấy lúa. Bà con ở các xã từ Bạc Liêu đến Cà Mau nườm nượp mang lúa đến đổi lấy phiếu dầu, phiếu vải, phiếu thuốc...
Với hoạt động của tổ thu mua của bà Ba Thi, tình trạng thiếu gạo của TP Hồ Chí Minh và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu của bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long được giải quyết một bước.
Cuộc chiến chống gian thương
Với những hoạt động hiệu quả của tổ thu mua lúa gạo, cuối năm 1980, TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Công ty Kinh doanh lương thực thành phố do bà Ba Thi làm giám đốc.
Như vậy, lúc này ngành lương thực TP Hồ Chí Minh bên cạnh hệ cung cấp có thêm một bộ phận nữa là hệ kinh doanh, nhằm mục tiêu xóa bỏ tình trạng bao cấp tràn lan.
Để nắm vững nguồn cung cấp gạo và nhu cầu thiết yếu của nông dân, giám đốc Ba Thi đã cho lập các "cán bộ chốt" ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông qua lực lượng này, bà ký hợp đồng thu mua với sở lương thực các tỉnh, thậm chí ký thẳng với huyện để mua lúa gạo. Phương thức trao đổi hàng hai chiều giữa Công ty với các địa phương diễn ra rất hiệu quả.
Vụ đầu tiên, Công ty liên hệ mua được 4 nghìn tấn phân bón đưa về Cửu Long, Tiền Giang để năm tới lấy lúa; tổ chức mượn xăng của tỉnh này đem về giúp tỉnh kia; mua cả xi măng, sắt thép để giúp địa phương xây dựng cầu đường...
Vì thế các địa phương làm nghĩa vụ xong đều tự nguyện chở thuyền ghe lúa đem bán cho bà Ba Thi.
Sau hai năm, tổng số lương thực mà công ty của bà Ba Thi bán ra theo giá bảo đảm kinh doanh đạt 127 nghìn tấn.
Bình quân mỗi tháng, mỗi người mua được 9kg gạo với giá rẻ hơn và chất lượng không thua kém gạo tư thương bán trên thị trường tự do, góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin trong nhân dân. Đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa.
Giám đốc Ba Thi (đeo kính, đứng giữa hàng đầu) và các cán bộ phụ trách các cửa hàng lương thực của TP Hồ Chí Minh trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của bà vào tháng 10-1985. Ảnh chụp lại. |
Hoạt động của Công ty càng hiệu quả thì đây đó xuất hiện dư luận công kích, phê phán, mỉa mai nhằm vào giám đốc Ba Thi.
Có người nói, bà làm việc là đi "mua gian bán lận", "Bà Ba bây giờ thành tiểu thương rồi. Công ty của bà tranh mua, tranh bán, phá rối thị trường"... Bọn gian thương thì tìm cách để phá hoạt động của Công ty và làm rối loạn thị trường để thừa cơ "đục nước béo cò".
Chị Kim Anh nhớ lại: "Vào khoảng tháng 6-1983, giữa lúc tại các cửa hàng bán lẻ và các đại lý chưa kịp nhận đủ gạo về bán tại phường, bọn gian thương tung tin đồn nhảm: "Nhà nước hết gạo", "Nhà nước sắp đổi tiền".
Những đòn chiến tranh tâm lý đó tác động rất xấu. Ở hầu hết các chợ, giá gạo bắt đầu nhích lên từ 50 xu đến một đồng, rồi tăng 5 đến 7 đồng một ki-lô-gam. Bọn đầu cơ tích trữ tìm mọi cách tung tiền, kể cả sử dụng trẻ em ra mua vét gạo ở các đại lý và các cửa hàng bán lẻ, đồng thời chúng tuồn gạo đi các tỉnh khác, gây nên những cơn sốt gạo.
Trong tình hình nhốn nháo đó, nhiều gia đình sợ gạo lên giá đổ xô đi mua về dự trữ. Thị trường gạo thành phố đột nhiên căng thẳng một cách giả tạo.
Ý đồ của gian thương là nhằm rút lực lượng gạo của Công ty, làm suy yếu, tê liệt Công ty của bà Ba Thi, từ đó thao túng thị trường lương thực thành phố. Cùng với hành động đầu cơ tích trữ, nâng giá gạo, chúng còn uy hiếp tinh thần một số đại lý, gọi điện thoại với nội dung tuyên truyền phản động, hăm dọa cán bộ nhân viên Công ty, nhiều lần đích danh đe dọa giám đốc Ba Thi.
Nhờ nắm được hàng hóa trao đổi với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bà Ba Thi đã tung lượng gạo dự trữ ra thị trường đúng lúc, rót gạo ngay cho đại lý.
Hàng ngàn đại lý bản lẻ trải rộng trên khắp các phường đã chủ động giành thế chủ động trên thị trường. Bọn gian thương và phá hoại trên lĩnh vững kinh doanh lương thực bị khoanh lại ở một số chợ và bị dập tắt nhanh chóng".
Hạt gạo nữ anh hùng nhiều chất chứa
Ngày 3-10-1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ba Thi.
Cán bộ, nhân viên Công ty và bà con thành phố đều phấn khởi vì vị nữ giám đốc, mà họ gọi vui là "người buôn gạo" đã được vinh danh.
Điều đó chứng tỏ Nhà nước đã đánh giá đúng mức, công bằng sự đóng góp của bà Ba Thi trong việc góp phần quan trọng thủ tiêu tệ ngăn sông, cấm chợ để lương thực có thể lưu thông dễ dàng từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố.
Nhớ tới đóng góp của bà Ba Thi, người ta không thể quên những hình ảnh day dứt một thời: Từng đoàn người, rồng rắn xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh, với những vẻ mặt khinh khỉnh của các mậu dịch viên gạo; cảnh từng nhà phải rải gạo lên mâm hoặc tờ giấy trắng để lượm thóc, trấu, bông cỏ; nhớ những bữa ăn độn của nhiều gia đình thành phố trong khi biết bao hộ nông dân ở nhiều tỉnh miền Tây lúa chất đống trong nhà, ngoài sân mà không biết làm sao tiêu thụ được...
Giám đốc Ba Thi đã đi tiên phong để giải quyết những sự vô lý và bất cập đó.
Ngày bà Ba Thi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đã có hàng trăm bức thư, điện, bài báo mừng cho Công ty và người nữ giám đốc Anh hùng. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã có bài viết đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-10-1985 ca ngợi Giám đốc Ba Thi.
Trong đó có đoạn: "Hạt gạo chị Ba Thi thật nhiều chất chứa. Rất khó phân tích tỷ lệ các phần cấu thành trong danh hiệu anh hùng của chị Ba, bao nhiêu phần trăm thuộc suy tính đến bạc tóc, bao nhiêu phần trăm thuộc những đêm thức trắng vì khắc khoải sự đói no của thành phố, bao nhiêu phần trăm thuộc kinh nghiệm của một cán bộ từng lăn lộn với quần chúng tại một thành phố lớn, kinh nghiệm dẫn đến cách tổ chức làm ăn thoát hẳn lối mòn bao cấp...
Thôi thì ta đành bằng lòng với nhận định: Danh hiệu anh hùng của chị tổng hợp tất cả những cái mà chúng ta gọi là phẩm chất của chị"...
Trần Hoàng Tiến
Kỳ 4: Bù giá vào lương: 'tư tưởng chính trị' bí thư Chín Cần
Theo Quân đội Nhân dân
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại