Người ta còn đồn rằng, đấy là những con ma đói hiện hình từ địa ngục. Rồi thì thầy mo ác đã đọc bùa chú làm xác chết sống dậy. Lại có người quả quyết đó là những con ma-cà-rồng chuyên đi hút máu người.

TIN BÀI KHÁC
Cho đến hôm nay, đối với đồng bào ở vùng rừng xanh núi đỏ này, bệnh phong vẫn là cái gì đó rất ghê sợ. Người dân quanh vùng gọi Khu điều trị bệnh phong Sông Mã (Sơn La) là “bản hủi”. “Bản hủi” nằm giữa một cánh rừng bên dòng sông Mã.

Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, tỉnh Sơn La, hay còn gọi là “bản hủi”, ám ảnh tôi với bao huyền thoại về xứ sở hãi hùng và tuyệt vọng của những con người bị vi khuẩn Hansen gặm nhấm xương cốt. Những người không còn bàn tay, phải dùng dây chun buộc cuốc, dao vào cánh tay rồi tự cày cuốc, đào bới, đánh vật với rừng già để kiếm ăn qua ngày.
 Bệnh nhân phong ở làng phong Sông Mã. 

Người ta bảo, máu họ chảy ra suối, chảy ra thượng nguồn sông Mã, máu họ thấm đẫm những luống ngô, luống khoai. Có người bị vi khuẩn Hansen ăn mất cả xương sống mũi, hai hốc mũi vếch lên trời như loài khỉ mũi hếch. Có người bị mất thanh quản nên không nói được, chỉ phát ra tiếng ú ớ rùng rợn. Có người cụt cả hai chân, hai tay. Họ phát rồ phát dại khi nhìn những phần cơ thể của mình bị loài vi khuẩn ma quái gặm thịt ăn xương. Họ nghĩ mình bị ma ám thật. Họ lọ mọ từ khắp nơi tụ về một khu rừng rồi cùng nhau chờ chết.

Những con người này, một thời như những con ma thoắt ẩn, thoắt hiện trong những cánh rừng già dưới chân núi Mường Hung.
Đồng bào ở Sông Mã thường truyền tai câu chuyện đầy chất liêu trai chí dị, rằng lúc lên nương họ vô tình nhìn thấy những nhóm người như những sinh vật lạ, rách rưới, bẩn thỉu, người cụt tay, người cụt chân thậm thụt dưới khe suối, ngoài bìa rừng. Họ phát ra những tiếng kêu ú ớ gớm ghiếc rồi biến mất sau những lùm cây um tùm của đại ngàn.

Những câu chuyện ấy vẫn ám ảnh đến ngày nay. Người ta còn đồn rằng, đấy là những con ma đói hiện hình từ địa ngục. Rồi thì thầy mo ác đã đọc bùa chú làm xác chết sống dậy. Lại có người quả quyết đó là những con ma-cà-rồng chuyên đi hút máu người.

Họ từng bị coi là ma-cà-rồng. 

Ông Nguyễn Đăng Sinh, nguyên Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Sông Mã, người đã gắn bó với trại phong ngót 50 năm trời kể lại như sau:

Khi nghe nói các bệnh nhân phong vùng Tây Bắc dồn tụ về bản Pháy trên sườn núi Mường Hung sống, ông đã cuốc bộ hàng trăm cây số vào rừng để tìm ra chỗ họ lẩn trốn. Sau mấy ngày đêm lặn lội trong rừng sâu, ông đã gặp một đám người rách rưới, què cụt lê lết chạy trốn, miệng kêu ú ớ như con thú bị trúng đạn.

Sau một hồi rượt đuổi, cuối cùng thì đoàn người què cụt cũng dừng lại vì kiệt sức. Dù là bác sĩ phong, song ông cũng phải lạnh sống lưng khi thấy cảnh người mất chân, người mất tay, người rụng tai, người mất mũi, người mất môi, nước dãi chảy lòng thòng. Hình dáng họ khi đó thực sự giống những quái vật kinh hoàng chỉ có trong những bộ phim kinh dị của Mỹ.

Họ bị đồn là những xác chết sống dậy

Những bệnh nhân phong này tập trung thành một xóm nhỏ giữa rừng, trên vách núi, sống tách biệt hoàn toàn với đồng bào dân tộc trong vùng. Họ dựng những túp lều tranh và sống bầy đàn như người nguyên thủy.

Đàn ông không đủ sức đi săn bắn, đàn bà không đủ sức trồng trọt. Họ nhặt rau rừng, tước vỏ cây để ăn đúng như bầy thú. Họ nằm liệt cô đơn trên vũng mủ máu nhờn nhoét, ruồi bọ lúc nhúc trong những túp lều dơ bẩn và mòn mỏi chờ một cái chết thê thảm.

Tình cảnh cuộc sống kinh hoàng của những người cùi khi ấy còn nguyên vẹn trong ký ức của ông Sinh và những người đầu tiên khám phá ra một thế giới thê lương kinh hoàng giữa đại ngàn Sông Mã, nơi vùng đất tận cùng của tỉnh Sơn La.

Gặp được đoàn người cùi, ông Sinh cùng một số đồng nghiệp chuẩn bị cho việc thành lập làng phong.

Từ đây, những người bệnh phong ở các bản làng thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ (ngày đó có tỉnh Nghĩa Lộ) được các bác sĩ, y tá lùng sục mang về chăm sóc.

Khi thành lập, làng cùi có 50 bệnh nhân, đến năm 1960, số bệnh nhân đã lên đến 250 người. Làng phong ngày đó nằm trên bản Pháy. Thế nhưng, cái tên bản Pháy chỉ là trên giấy tờ, trên bản đồ địa chính của xã, người dân Sông Mã vẫn chỉ biết đến nó với một cái tên đầy sự kinh hãi: Bản Hủi.
 

(Theo VTC News)