Ngày hôm qua 4/12, Amazon Selling Global đã lần đầu tiên tổ chức "Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam", thu hút hơn 2.000 người bán hàng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tham dự. Cũng trong sự kiện, sau gần hai năm thăm dò và hợp tác sơ bộ, "Người khổng lồ" Amazon cũng đã chính thức ký biên bản hợp tác với Bộ Công thương.

Amazon và Bộ Công thương có bàn đến việc xây dựng chuyên trang Amazon Việt Nam

Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công thương và Amazon hướng đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người bán hàng nội địa đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế. Theo Biên bản Ghi nhớ hợp tác, Vietrade và Amazon Global Selling sẽ cùng thực hiện các chương trình sau: xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT), phát triển thương hiệu TMĐT Việt Nam cùng Amazon, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam về thương mại điện tử, gian hàng chung và chính sách hợp tác.

Bên cạnh đó, Hội nghị lần này cũng đánh dấu sự khởi đầu trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T, với sự hỗ trợ của ngân hàng SHB. Bằng cách cung cấp kiến thức, nhân lực, mạng lưới kinh doanh, các giải pháp kỹ thuật số và tài chính; T&T sẽ phối hợp với các bên để hỗ trợ SMEs mở rộng kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của nền xuất khẩu Việt Nam.

Amazon ngày càng thể hiện sự xem trọng thị trường Việt Nam: Sau thành lập công ty Amazon Selling Global, chính thức hợp tác với Bộ Công thương và Tập đoàn T&T, tiếp theo có thể là xây dựng chuyên trang Amazon Việt Nam - Ảnh 1.

Đại diện Amazon và đại diện T&T đang tiến hành hoạt động đánh giấu sự hợp tác giữa cả hai.

Trước đó, T&T Group cũng đã phối hợp với Bộ Công thương và Amazon Global Selling tổ chức cuộc thi "Tài năng TMĐT xuyên biên giới Việt Nam 2019", nhằm tìm kiếm và ươm mầm lực lượng lao động trẻ, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam khám phá, học hỏi chuyên sâu hơn về TMĐT xuyên biên giới.

"Chuỗi hoạt động phối hợp tổ chức cùng Amazon Global Selling trước đây đã gặt hái được nhiều thành công. TMĐT xuyên biên giới đem lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế xuất khẩu Việt Nam nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp Việt nói riêng. Việc triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ là tiền đề vững chắc, tạo nền móng cho những kế hoạch chiến lược dài hạn hơn giữa Cục Xúc tiến Thương mại và Amazon Global Selling trong tương lai", - Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết.

Trong 105 doanh nghiệp được tham gia khóa đào tạo của Amazon và Bộ Công thương phối hợp tổ chức trong 6 tháng vừa qua, đã có 50% doanh nghiệp trong đó bán được hàng qua Amazon.

Còn bà Susan – Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ của Amazon tiết lộ, trong buổi gặp gỡ với Bộ Công thương gần đây, cả hai đã bàn đến việc làm sao để sự phối hợp giữa Amazon, doanh nghiệp Việt và các cơ quan Chính phủ được thiết thực và hiệu quả. Trong đó có bàn đến vấn đề thành lập chuyên trang Amazon tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi bàn đến vấn đề này sau đó, ông Trần Xuân Thủy – Tổng Giám đốc Amazon Selling Global Việt Nam cho rằng, việc thành lập chuyên trang Amazon Việt Nam là điều không đơn giản. Vì chúng ta phải có số lượng người bán hàng đủ lớn mạnh, nếu không sẽ có tác dụng ngược, nếu khách hàng vào không có gì sau này người ta có thể không vào nữa.

5 chiến lược ưu tiên của Amazon Selling Global Việt Nam trong năm 2020

Ở khía cạnh khác, ông Trần Xuân Thủy cũng đã chia sẻ 5 ưu tiên chiến lược của Amazon Selling Global trong năm 2020.

Amazon ngày càng thể hiện sự xem trọng thị trường Việt Nam: Sau thành lập công ty Amazon Selling Global, chính thức hợp tác với Bộ Công thương và Tập đoàn T&T, tiếp theo có thể là xây dựng chuyên trang Amazon Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Thủy – Tổng Giám đốc Amazon Selling Global Việt Nam

Đầu tiên là nâng cao nhận thức về xuất khẩu trực tuyến và mở rộng trên nhiều khu vực hơn. Amazon Global Selling sẽ tổ chức nhiều hơn các khoá đào tạo trực tiếp và hợp tác chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy nhận thức.

Thứ hai, cung cấp nhiều dịch vụ và công cụ hữu ích. Được giới thiệu trong hội nghị dành cho người bán hàng Việt Nam, giải pháp quảng cáo của Amazon giúp người bán hàng tìm kiếm, thu hút và gắn kết hàng triệu khách hàng ở mọi giai đoạn trong quá trình mua hàng của họ.

Các giải pháp tự phục vụ bao gồm Sản phẩm được tài trợ, Thương hiệu được tài trợ, Hiển thị được tài trợ (beta) và Cửa hàng. Năm 2019, Amazon đã ra mắt 150 công cụ và dịch vụ trên toàn cầu kể từ đầu năm 2019 để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ độc lập tăng doanh số bán hàng của họ trên các cửa hàng của Amazon.

Thứ ba, mở rộng thị trường mới. Với sự ra mắt của Amazon Singapore, sẽ có thêm một thị trường quốc tế dành cho người bán hàng Việt Nam ngoài Amazon.com. Đây là những nỗ lực không ngừng của Amazon để đưa đến cho người bán hàng Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến hơn.

Cuối cùng, xây dựng dịch vụ mạng lưới đối tác. Xác định và xây dựng dịch vụ mạng lưới đối tác để giúp người bán hàng khám phá các cơ hội toàn cầu hiệu quả.

Gắn kết mạng lưới đối tác địa phương, thông qua việc tăng cường hợp tác hiện tại và phát triển các sự hợp tác mới. Amazon Selling Global sẽ mở rộng thị trường hoạt động, tiến đến các tỉnh thành có kết cấu hạ tầng tốt và lượng doanh nghiệp tốt tương đối nhiều như Hải Phòng – Đà Nẵng – Cần Thơ.

Dệt may, da giày, đồ thủ công và các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam rất được yêu thích trên Amazon

Cũng theo tiết lộ từ Amazon, thì Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng bán hàng trên nền tảng này cao nhất Đông Nam Á. Các sản phẩm Việt Nam được yêu thích nhất trên Amazon có thể kể đến đồ dệt may, da, giày, đồ thủ công và các sản phẩm tiêu dùng.

Amazon ngày càng thể hiện sự xem trọng thị trường Việt Nam: Sau thành lập công ty Amazon Selling Global, chính thức hợp tác với Bộ Công thương và Tập đoàn T&T, tiếp theo có thể là xây dựng chuyên trang Amazon Việt Nam - Ảnh 3.

Da giày là một trong những ngành hàng của Việt Nam rất được ưa chuộng trên Amazon.

Thế nên, trong Hội nghị lần này, Amazon Selling Global đã tổ chức triển lãm "Mỗi làng nghề một sản phẩm - One Village One Product" trưng bày các mặt hàng "made in Vietnam" chất lượng cao như cafe, trà, đồ dệt may, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cũng như các sản phẩm văn hoá truyền thống như áo dài, nón lá, nhạc cụ dân tộc…

Còn theo chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Đồng – CEO công ty Hà An, thì sản phẩm của họ chủ yếu là mây, tre và các sản phẩm thủ công, được sản xuất với mục đích đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng. Hà An bắt đầu bán hàng trên Amazon từ tháng 7/2019 với sự hỗ trợ từ chương trình hợp tác giữa Vietrade và Amazon Global Selling.

Amazon mang đến cho Hà An cơ hội tuyệt vời để tiếp cận với khách hàng bên ngoài Việt Nam. Họ đã chọn sử dụng Amazon FBA (Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng của Amazon). Ngay từ đầu, FBA đã giúp Hà An giải quyết những thách thức trong việc giao hàng và hoàn thiện đơn hàng. Nhờ FBA, doanh nghiệp này có thể tập trung vào nghiên cứu và cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.

"Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, cũng như nguồn cung ứng lao động dồi dào, với nhiều tài năng trẻ và cộng đồng mạng lớn. Amazon Global Selling là một kênh kết nối các nhà bán hàng địa phương đáng tin cậy và phát triển.

Hội nghị ngày hôm nay là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Với đội ngũ Amazon Global Selling tại Việt Nam, chúng tôi sẽ không ngừng hỗ trợ các đối tác bán hàng Việt Nam trong suốt hành trình kinh doanh của họ trên Amazon" - Ông Gijae Seong - Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Úc và New Zealand, bổ sung.