Nếu vẫn giữ những thói quen xấu hay vi phạm pháp luật nước bạn thì người Việt sẽ dần nổi tiếng theo-cách-chẳng-ai-muốn. Lúc đó, liệu có thể tự hào khi giới thiệu là người Việt Nam?
Sự nổi tiếng không ai muốn
Thông tin 46 du khách Việt Nam trốn lại làm lao động tại Hàn Quốc xuất hiện dày đặc trên các báo Việt Nam và cả báo Hàn Quốc mới đây khiến người Việt thêm lần nữa lại được "nổi tiếng".
Bởi, người Việt thật "tài tình" khi lập nên kỷ lục về số người trốn một lần tại hòn đảo xinh đẹp Cheju.
Các báo Việt và Hàn liên tục cập nhật cuộc săn lùng của cảnh sát với số lao động Việt Nam bỏ trốn. Còn những lao động có ý định đi Hàn Quốc, dù là theo con đường chính thức, thì lo lắng khi chính phủ nước này tiếp tục tạm ngưng nhận lao động Việt Nam. Hiện tỷ lệ lao động chui người Việt lên tới 32%, cao nhất và vượt xa mức trung bình 15-17% trong số các quốc gia có lao động tại Hàn Quốc.
Những tấm bảng cảnh báo bằng tiếng Việt ở các nước đề phòng người Việt xấu xí |
Những người đi du lịch thực sự và những người đi công tác sang Hàn Quốc rồi đây có thể sẽ cảm thấy phiền toái hơn khi chuẩn bị hồ sơ xin visa đi Hàn Quốc - vốn đã rất phức tạp và nhiêu khê.
Trước đó, người Việt Nam cũng được một số nước "quan tâm" khi chỉ đề biển tiếng Việt chứ không phải ngôn ngữ nào khác, ở một số nhà hàng Thái Lan thì là "Lấy thừa thức ăn sẽ bị phạt" hay ở một số siêu thị Nhật thì là "Chú ý, ở đây có camera an ninh".
Người Việt chúng ta có thể xấu hổ và tức giận khi được quan tâm như vậy, nhưng đó cũng là cách bất đắc dĩ mà nhà hàng ở Thái phải làm trước tình trạng nhiều du khách Việt lấy đồ ăn buffet rồi bỏ thừa, gây lãng phí. Hay tình trạng ăn cắp tại các siêu thị Nhật mà nhiều trong số đó là người Việt.
Thậm chí, sự nổi tiếng của người Việt còn được chế trong các truyện vui rằng: Cho cảnh sát nước bạn sang Việt Nam thì một tiếng bắt được mấy chục người vứt rác, vệ sinh bừa bãi. Cảnh sát mình sang nước bạn thì cố gắng lắm cũng bắt được một người vứt rác, vệ sinh bừa bãi. Người bị bắt, hóa ra, cũng chính là người Việt Nam đang đi công tác ở đó chứ không phải người nước họ.
Quả thực, không nên nhắc đến những tin không hay về người Việt xấu xí khi ở nước ngoài ngay những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận là không ít du khách đang làm xấu đi hình ảnh người Việt khi đi du lịch.
Nên có bộ quy tắc khi người Việt xuất ngoại?
Trên các phố phường Việt Nam, đâu đâu cũng có thể nhận ra biển hiệu tuyến phố văn minh thương mại, khu phố văn hóa...
Song, thực tế là chuyện chen lấn, vứt rác bừa bãi, ồn ào mất trật tự, quần đùi áo may ô ra đường, giao thông lộn xộn vẫn là hình ảnh và thói quen hàng ngày của không ít người Việt.
Cảnh vứt rác bừa bãi sau khi làm lễ phóng sinh của người Việt |
Sẽ chẳng là vấn đề gì to tát nếu không có câu chuyện hội nhập quốc tế. Chỉ khi khách nước ngoài đến Việt Nam, và người Việt Nam ra nước ngoài mà vẫn giữ những thói quen này, thì mới thấy thật vấn đề. Nhẹ thì bị nhìn như người từ trong rừng ra. Nặng thì bị phạt tính ra cả triệu đồng Việt Nam chỉ vì cái tội hút thuốc nơi công cộng hay vứt rác bừa bãi.
Ngày càng có nhiều người Việt có tiền đi du lịch nước ngoài hay đi công tác, học tập tại nước ngoài. Nhưng nếu chúng ta vẫn giữ những thói quen xấu hay vi phạm pháp luật nước bạn thì người Việt sẽ dần nổi tiếng theo-cách-chẳng-ai-muốn. Quá trình Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế do vậy liệu có bị cản trở?
Mặc dù kinh tế Nhật những năm gần đây khó khăn khiến du khách Nhật không còn mạnh tay chi tiêu, mua sắm, nhưng người Nhật vẫn luôn được kính trọng ở khắp nơi trên thế giới bởi văn hóa và nếp sống văn minh.
Còn, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, du khách Trung Quốc rủng rỉnh tiền để mua sắm khi đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn xấu hổ và bẽ mặt khi nhiều công dân nước họ có những hành động thiếu văn minh khi đi ra nước ngoài như gây ồn ào, mất trật tự, cãi lộn trên máy bay, khạc nhổ bừa bãi, vẽ bậy lên các di tích khiến nước này phải ban hành điều luật xử phạt nặng những du khách có hành vi này, thậm chí là cấm xuất cảnh vĩnh viễn.
So với Trung Quốc, số người Việt Nam ra nước ngoài chưa đáng là bao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự cần thiết phải ban hành một bộ quy tắc về những điều nên và không nên khi ở nước ngoài. Đó là những quy tắc ứng xử văn minh lịch sự, những điều luật ở nước bạn cần tuân thủ và những hướng dẫn để người Việt hiểu biết và không bị « khôn nhà dại chợ » khi ra nước ngoài.
Nhà nước có hướng dẫn và chế tài phạt, mỗi gia đình và cá nhân cần tuân thủ thực hiện một cách thật sự nếp sống văn minh, hành động văn hóa.
Nguyễn Tiến Đạt