Trang ZeeNews (Ấn Độ) vừa đưa
tin, bất chấp Trung Quốc phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Ấn Độ trong việc thăm dò
dầu khí ở Biển Đông, New Delhi vẫn khẳng định sẽ không lùi bước.
Ảnh: ZeeNew
Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã ra tuyên bố cứng rắn hơn về vấn đề này khi nói rằng, bất kỳ dự án nào không có sự chấp thuận của Trung Quốc đều là trái phép và không có hiệu lực. "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với các đảo ở Biển Đông và lập trường của chúng tôi dựa trên các bằng chứng lịch sử cũng như pháp lý", người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói. "Bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trong phạm vi quyền hạn này mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó là trái phép, không có hiệu lực".
Trước đó, Ấn Độ cũng đã bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc về việc thăm dò dầu khí. Nước này tuyên bố việc hợp tác với Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế và giống như sự hợp tác để phát triển.
Xung quanh vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải, Bộ Ngoại giao Ấn Độ từng khẳng định: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp thuận của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng".
Theo ZeeNews, điều đáng nói là, đối thủ lân cận lớn nhất của Trung Quốc, Nhật Bản - đã ủng hộ Ấn Độ trong cuộc tìm kiếm dầu khí và tương tác lớn hơn giữa lực lượng hải quân hai nước.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh.
Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.
Thái An