Trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang thường xuyên phát hiện tình trạng người dân mua bán chim hoang dã, thú để bán cho người đi lễ phóng sinh.  Điển hình như vào tháng 9/2023, Hạt kiểm Lâm liên huyện Tịnh Biên – Châu Đốc đã phát hiện và tịch thu 3 lồng Chim vắng chủ tại khu vực Phường Núi Sam – TP. Châu Đốc; 23 rập Sóc và 14 cá thể Nhen vắng chủ tại Chùa Phật Lớn – Núi Cấm – Thị xã Tịnh Biên. 

Hạt kiểm Lâm các huyện trên địa bàn tỉnh An Giang thường xuyên tuyên truyền tới người dân, phật tử không mua các cá thể chim, động vật hoang dã khác để phóng sinh. Bởi hành động này vô tình tiếp tay cho các đối tượng khai thác, săn bẫy chim, động vật hoang dã dẫn tới tật diệt các loài động vật hoang dã.

Không chỉ với động vật hoang dã,  rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Ôn, tỉnh An Giang) gặp phải tình trạng người dân lén lút vào các kênh, rạch để khai thác thủy sản quý hiếm gây khó khăn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

an giang.png
Với hệ sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long, An Giang cũng bị tác động nhiều bởi nạn tội phạm đa dạng sinh học.

Rừng tràm Tân Tuyến đại diện cho vùng đất ngập nước Tứ giác Long Xuyên có 154 loài thực vật, thuộc 122 chi, 52 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành dương xỉ (Polypodiophyta) và ngọc lan (Magnoliophyta). Trong số các loài được tìm thấy có tới 115 loài có giá trị sử dụng (làm thuốc, thực phẩm, làm cảnh, cho gỗ, gia dụng). Ngoài ra, còn có loài cà na (Elaeocarpus hygrophilus) được xếp vào danh mục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng sẽ nguy cấp, theo “Sách Đỏ Việt Nam” (năm 2007).

Rừng còn có 63 loài chim như Chim khách, Cu gáy, Bìm bịp lớn, Cò bợ... Trong số các loài chim được ghi nhận, có loài Sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola) là loài rất nguy cấp quy mô toàn cầu.

Rừng tràm Tân Tuyến còn là nơi trú ngụ của nhiều loài cá. Theo thống kê, tại đây có 82 loài cá, thuộc 26 họ, 9 bộ trong đó có 2 loài thuộc danh mục quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN là loài Cá hô (Catlocarpio siamensis) và Cá trà sóc (Probarbus jullieni). Người dân xâm phạm rừng khai thác thủy sản, thực vật về làm cây kiểng đã khiến hệ sinh thái tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tỉnh An Giang đã đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự xâm nhập mặn, khai thác trái phép của người dân vào rừng với nhiều giải pháp khác nhau như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ dân để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến rừng; Thực hiện cứu hộ động vật hoang dã, thả động vật về môi trường tự nhiên để tiếp tục sống và duy trì nòi giống.

Đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Du lịch phát triển sẽ giúp người dân quanh rừng có thêm sinh kế, họ không còn vào khai thác trái phép thủy sản tại đây. Qua hoạt động du lịch sẽ tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân, du khách về giá trị đa dạng sinh học của rừng tràm Tân Tuyến cũng như vai trò của bảo tồn sinh cảnh, phòng chống tội phạm đa sinh học. 

Cũng trong năm 2023, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch 663 về triển khai thực hiện Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. An Giang đưa ra mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc nuôi nhốt động vật hoang dã, ngăn ngừa dịch bệnh từ động vật và quản lý chặt chẽ tình trạng mua bán động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật. 

Các địa phương lồng ghép tuyên truyền giáo dục về bảo vệ đa dạng sinh học các các chuyên đề tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục, đài truyền thanh xã nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học. Khi phát hiện các vụ việc liên quan tới tội phạm đa sinh học sẽ xử lý nghiêm minh. Các cán bộ chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học sẽ được tăng cường tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu.

Tỉnh An Giang cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác điều tra tội phạm đa dạng sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn.  Các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã cần được kiểm tra, giám sát và cấp mã số định danh loài chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng mua bán động vật trái phép trong tỉnh và liên tỉnh.


 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV