Tỉnh An Giang có đường biên giới dài 98,2km, tiếp giáp với 6 huyện thuộc tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) nên tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, An Giang có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, bến đò qua lại thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa nhưng đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép hoặc mua bán người qua biên giới.
Xác định tính chất phức tạp của loại tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang luôn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp các địa phương có liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm này.
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo phối hợp tốt với lực lượng cảnh sát Campuchia trong điều tra, xử lý tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhất là việc giải cứu, tiếp nhận các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Campuchia trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2005 đến 2023, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tiếp nhận 45 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người, đã giải quyết 45 tin, khởi tố 12 vụ, 23 bị can về tội “Mua bán người”…
Phát huy hiệu quả phòng, chống mua bán người thời gian qua, năm 2024, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác này.
Mới nhất, ngày 24/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang kết hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người cho trên 100 cán bộ, học sinh và người dân xã Vĩnh Gia.
Buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cung cấp thông tin về những loại ma túy phổ biến ở Việt Nam; tác hại của ma túy và cách phòng tránh; dấu hiệu nhận biết một số loại ma túy thông thường; thủ đoạn của các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy...
Bà con và học sinh vùng biên giới còn được cung cấp kiến thức về đặc điểm, hành vi, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; phân biệt giữa mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; phổ biến một số nội dung chính của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia.
Đợt tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác hoạt động của các loại tội phạm ma túy và mua bán người, phát huy trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay tham gia phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới.
Thời gian tới, tỉnh An Giang phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người; 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ mua bán người được giải quyết, xét xử.
Bên cạnh đó, tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về mua bán người. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Cùng với đó, xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp từng cơ quan, địa phương. Tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người, Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).
Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người; nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tạo việc làm cho người dân trên địa bàn nhằm ổn định cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Các lực lượng chức năng chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa bàn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khánh Vy