Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh An Giang lan tỏa rộng khắp, được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; tăng cường đoàn kết, tương thân, tương ái, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…
Theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển toàn diện, rộng khắp và trở thành phong trào hành động cách mạng của nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 508.212 hộ gia đình văn hóa, đạt 94,2% tổng số hộ; 879 khóm/ấp đạt chuẩn văn hóa, đạt 100% tổng số ấp; 87 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 75% tổng số xã; 27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 72,97% tổng số phường, thị trấn; 100% khóm, ấp văn hóa đã xây dựng hương ước, quy ước.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống đoàn kết cộng đồng, các hoạt động nhân đạo từ thiện, tương trợ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống; xây dựng cơ sở hạ tầng được phát huy và trở thành động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phong trào được Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục củng cố, nâng chất, các danh hiệu văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới và làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao từng bước phục vụ nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần của người dân, các phong trào khác được vận dụng, phối hợp hiệu quả.
Để nâng cao hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và hệ thống chính trị nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lấy chất lượng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa làm cơ sở để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở có chiều sâu, bền vững.
Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, khu dân cư an toàn; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đồng thời, tăng cường quản lý các hoạt động, dịch vụ văn hóa, bài trừ văn hóa phẩm độc hại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…