Thí điểm phát triển KTXH, củng cố QPAN, gắn với xây dựng NTM các xã biên giới Việt-Trung
Lào Cai là tỉnh nghèo trong cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, khu vực biên giới có 26 xã, phường, thị trấn biên giới (23 xã, 2 phường và 1 thị trấn) thuộc 5 huyện, thành phố; tổng số hộ của 23 xã biên giới là 19.006 hộ, với 85.213 khẩu, chiếm 13% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2017 là 44,03%.
Các xã biên giới Lào Cai là nút giao thông quan trọng trong việc trung chuyển, lưu thông hàng hóa với Trung Quốc. Tuy nhiên, các xã biên giới này địa hình phức tạp, phân tầng độ cao lớn, nhiều đồi núi dốc, mức độ chia cắt mạnh, đất sản xuất ít và manh mún, giao thông đi lại khó khăn; các hộ dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 23/9/1994 "về một số công tác ở vùng dân tộc Mông"; cũng như triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, tỉnh đề xuất xây dựng "Đề án Thí điểm phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, gắn với xây dựng NTM các xã biên giới Việt - Trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020".
Đề án với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, phát huy lợi thế về đất, khí hậu, dịch vụ, thương mại cửa khẩu. Đồng thời, xây dựng, cải thiện diện mạo khu vực nông thôn các xã giáp biên giới theo hướng khang trang, hiện đại, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh trên tuyến biên giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương có đường biên giới với nước láng giềng.
Nhờ đó, đến nay, bộ mặt nông thôn vùng biên Lào Cai đã thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44,03% năm 2017 xuống còn 35% năm 2018. Thu nhập tại 23 xã đã tăng lên trên 20 triệu đông/tháng.
Đặc biệt, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội khu vực ngày càng ổn định. Các phong trào và mô hình "Điểm sáng biên giới", "Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", "Quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"… đã được triển khai nhân rộng.
Xây dựng mô hình “Điểm sáng biên giới”
Năm năm trước, Nậm Sò là thôn đầu tiên của xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, chính trị xã hội chọn làm điểm xây dựng mô hình “Điểm sáng biên giới”.
Thực hiện mô hình “Điểm sáng biên giới,” nhiều công trình như đường bêtông vào nhà văn hóa và sân nhà văn hóa, hệ thống đèn năng lượng thắp sáng nhà văn hóa thôn Lũng Pô cũng được đầu tư xây dựng.
Những buổi phối hợp tuần tra trên tuyến biên giới giữa lực lượng biên phòng và người dân địa phương vẫn được duy trì thực hiện đều đặn từ 2 đến 3 lần/tuần. Thông qua công tác tuần tra, kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở đã giúp người dân có ý thức tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Tới nay, mô hình đã góp phần đưa Nậm Sò trở thành điểm sáng về mọi mặt ở địa phương. An ninh trật tự được đảm bảo, cộng với việc được lực lượng biên phòng hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất đã giúp Nậm Sò từ 1 thôn biên giới đặc biệt khó khăn với gần 70% số hộ nghèo bứt phá đi lên trở thành điểm sáng ở Bảo Thắng. Dự kiến kết thúc năm nay, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo.
Từ việc xây dựng điểm sáng biên giới ở thôn Nậm Sò, xã đã nhân rộng ra 2 thôn biên giới Bản Quẩn, Bản Phiệt và nhân rộng ra trên toàn tỉnh Lào Cai.
Từ việc xây dựng mô hình có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nâng cao trách nhiệm của từng người dân trong tham gia phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh biên giới, hôm 25/11, Hội Nông dân phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai ra mắt mô hình “Điểm sáng biên giới”...
Thực hiện mô hình “Điểm sáng biên giới”, nhiều công trình như đường bê tông vào nhà văn hóa và sân nhà văn hóa, hệ thống đèn năng lượng thắp sáng nhà văn hóa thôn Lũng Pô cũng được đầu tư xây dựng.
Đây sẽ là những trung tâm sinh hoạt, học tập của nhân dân trong thôn, giúp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Phạm Bắc, Hoàng Hà, Duy Khánh