Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng được thành lập từ năm 2018 tại thôn Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 7 thành viên sáng lập đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để thuê đất, đào ao, chọn giống, đầu tư máy móc công nghệ, khu vực chế biến... Đối tượng nuôi chủ yếu của Hợp tác xã là các loại cá như: Rô phi, trắm, chép và cá diêu hồng… 

Không chỉ tự nuôi thủy sản, Hợp tác xã còn liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài địa bàn huyện Thanh Trì để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản. Hiện bên cạnh tổng diện tích 10ha nuôi thủy sản của các thành viên, Hợp tác xã đã thu hút hơn 70 hộ dân khác tham gia chuỗi liên kết với tổng diện tích liên kết khoảng 50ha, 100% các đơn vị liên kết phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng VietGAP và bảo quản, chế biến đạt chất lượng HACCP. 

anh bai 7.jpg
Mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 3 đến 5 tấn cá cũng như một số sản phẩm từ cá.

“Mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường từ 3 đến 5 tấn cá cũng như một số sản phẩm từ cá như chả cá, ruốc cá... Sản phẩm đầu ra của Hợp tác xã đang được cung cấp cho hơn 200 cơ sở gồm siêu thị, trường học, doanh trại quân đội, bếp ăn tập thể... Mỗi năm trung bình từ 2 vụ đến 2,5 vụ nuôi cung cấp trên 400 tấn cá đem lại cho Hợp tác xã doanh thu khoảng 7 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng cho biết.

Đặc biệt, Hợp tác xã của Giám đốc Nguyễn Văn Thiêm đã áp dụng mô hình nuôi cá sạch công nghệ cao “sông trong ao” của Mỹ.

Cụ thể, Hợp tác xã đầu tư xây dựng 15 bể, mỗi bể 125m2. Các bể đều có hệ thống sục khí và hệ thống dọn phân cá lắng xuống, đảm bảo môi trường luôn sạch và đầy đủ dưỡng khí cho cá. Dòng nước chảy liên tục khiến cá được vận động nhiều nên thịt rắn chắc, khỏe mạnh, ít bị bệnh, đồng thời theo dõi được tốc độ phát triển của cá qua từng ngày. 

Nuôi cá công nghệ “sông trong ao” đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, nhưng hiệu quả thu được cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Chẳng hạn như năng suất cao hơn (mật độ nuôi dày hơn 3 lần so với nuôi cá thông thường), việc đánh bắt, thu hoạch cá trở nên dễ dàng hơn.

Dây chuyền nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao giá trị thủy sản, năm 2022, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng triển khai mô hình chăn nuôi và chế biến khép kín. 

“Chúng tôi đầu tư xây dựng hệ thống chế biến, bảo quản, kho lạnh, hoàn thiện dây chuyền 3F gồm Feed (thức ăn chăn nuôi) – Farm (trang trại) - và Food (thực phẩm), hay còn gọi là Chuỗi sản xuất Từ trang trại đến bàn ăn, khép kín chu trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở của chúng tôi đã được cấp chứng nhận HACCP và chứng nhận ISO 22000:2018”, ông Thiêm khoe.

Nhờ áp dụng mô hình nuôi cá sạch công nghệ cao “sông trong ao” của Mỹ, đến nay, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã trở thành điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô với những chuyến hàng xuất khẩu “ngược lại” chính nước Mỹ. 

“Năm 2022, chúng tôi xuất khẩu được 18,5 tấn cá rô phi đã sơ chế sang Mỹ và nhận được phản hồi rất tốt từ phía khách hàng. Ngoài ra, Hợp tác xã còn nhận được đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu cá sang Bỉ, Hà Lan, Đài Loan... Tuy nhiên, do nguồn cung chưa đủ lớn nên hiện tại chúng tôi đang tích cực liên kết với bà con để mở rộng diện tích nuôi. Kế hoạch của Hợp tác xã trong thời gian tới là sẽ liên kết với nông dân, yêu cầu phải đạt cam kết chất lượng từ lúc xuống giống đến lúc ô tô chở cá thương phẩm xuất đi. Nếu như việc tạo ra được chuỗi liên kết sản xuất ổn định, Hợp tác xã sẽ đầu tư dây chuyền hệ thống cấp đông siêu tốc các sản phẩm rời (IQF) để nâng cao chất lượng cá ra thị trường, trong đó có thị trường Mỹ”, ông Thiêm chia sẻ thêm.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV