Với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra từ ngày 2 - 4/12 với sự tham gia của 7 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La. Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, khu vực Tây Bắc là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mường, H'Mông, Dao, Tày, Nùng…với bản sắc văn hóa đặc trưng, được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống đặc sắc.

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc là di sản quý giá, được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó đồng bào các dân tộc là chủ thể sáng tạo, giữ vai trò quan trọng.

Đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng Tây Bắc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ngày hội là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong vùng Tây Bắc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng hàng trăm diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của 7 tỉnh sẽ đem đến Ngày hội những bộ trang phục súng sính, rực rỡ, đa sắc màu; những làn điệu hát Xoan, Then, Cọi, Páo dung, Sình ca đằm thắm, ngọt ngào; những điệu múa Chuông, múa Xòe nhẹ nhàng, uyển chuyển; những tiếng khèn, tiếng sáo rộn ràng, da diết; những tiếng hò reo cổ vũ cho các cuộc kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn… sẽ tạo nên một ngày hội vui tươi, đoàn kết, thấm đậm tình người Tây Bắc.

Nhấn mạnh việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, “mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn mỗi người cùng nhau thực hiện tốt phương châm: người đi trước truyền lại cho người đi sau; Ông bà, cha mẹ trao truyền cho con cháu; Cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân và cả xã hội bằng các việc làm thiết thực, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc đa dạng, phong phú, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Phát huy tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch, vừa nâng cao đời sống tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân; gắn kết chặt chẽ phát triển văn hóa với phát triển du lịch thì mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền để thực hiện bằng được chủ trương văn hóa phát triển ngang bằng với kinh tế và các lĩnh vực khác.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Ngay sau phần lễ, chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Cầu vồng trên đất Tổ đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khi lần lượt những di sản văn hoá, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc được tái hiện trên sân khấu lớn, đầy màu sắc của Ngày hội. Từ màu vàng của mùa lúa chín ruộng bậc thang đến màu của hoa lê, hoa mận mùa xuân Tây Bắc. Đó còn là màu hồng, lam, chàm, tím nơi thắt lưng cong của những cô gái Mông, Tày, Dao Thái… 

Được đầu tư công phu, chương trình nghệ thuật Cầu vồng trên đất Tổ không chỉ mở ra không gian đầy màu sắc mà còn là câu chuyện kể sinh động về cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở nhiều địa phương trên cả nước. Với các tiết mục Đất Tổ tôi về, hợp xướng Mở hội Tây Bắc, Vì em là Điện Biên, hát xoan Mó Cá… những thanh âm vang vọng nhưng không kém phần ngọt ngào đã giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên thể hiện sự tự hào về những nét đặc trưng trong văn hoá của dân tộc mình.

Diệu Bình, Quốc Tiến, Thu Thủy, Nguyễn Thảo, Thu Hà