Đại sứ quán Anh đang tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Cổng thông tin nhận đề xuất cho Giai đoạn 2 của chương trình CFA tại Việt Nam bắt đầu mở từ ngày 23/8 - 4/10.

Chương trình dự kiến sẽ chọn ra 8-10 dự án thuộc (nhưng không giới hạn tới) các lĩnh vực sau: năng lượng sạch và chuyển dịch năng lượng; hiệu quả sử dụng năng lượng; phương tiện giao thông điện; cấp nước; phi carbon hóa trong lĩnh vực xây dựng; xử lý nước thải; quản lý chất thải; sản xuất phát thải carbon thấp; nông nghiệp, lâm nghiệp và mục đích sử dụng đất khác; kinh tế tuần hoàn.

kinh te xanh.jpg
Việt Nam chuyển đổi sang một tương lai phát thải ròng bằng 0.

Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (tên tiếng Anh là Climate Finance Accelerator, viết tắt là CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu do chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ nhằm hỗ trợ trực tiếp các dự án khí hậu trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính. CFA được triển khai ở chín quốc gia (gồm Việt Nam, Colombia, Nigeria, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Peru, Ai Cập, Pakistan), nhằm mục tiêu khuyến khích cung cấp dòng tài chính cần thiết để những quốc gia này thực hiện tham vọng giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5°C.

Bắt đầu triển khai tại Việt Nam vào năm 2022, Chương trình CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư, tư vấn để tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).

Trong giai đoạn 1, chương trình đã hỗ trợ 9 dự án carbon thấp nâng cao năng lực thu hút đầu tư và kết nối họ với các đơn vị tài chính quan tâm để thảo luận về các cơ hội tài trợ tiềm năng trong một hội thảo kéo dài 2 ngày vào tháng 5/2023. Các dự án có nhu cầu huy động vốn đầu tư lên đến 500 triệu bảng Anh thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; phương tiện giao thông điện, kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải.

Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang một tương lai phát thải ròng bằng ‘0’, chống chịu với biến đổi khí hậu và thuận thiên. Quá trình chuyển đổi carbon thấp của Vương quốc Anh có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và tài chính xanh.

Trần Duy Khánh, Trần Tuấn Anh, Trần Quang Ninh, Nguyễn Thị Diệu Bình