Quyết định được thông qua tại Hạ viện hôm 9/4 với 420 phiếu thuận và 11 phiếu chống đối với đề xuất của chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng May vẫn vật lộn tìm cách giành được đủ số phiếu ủng hộ của các nhà lập pháp đối với thỏa thuận Brexit bà đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái. Quốc hội Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận này cùng những giải pháp thay thế trong các cuộc bỏ phiếu trước đó.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trò chuyện với Thủ tướng Anh Theresa May tại một sự kiện của EU. Ảnh: Reuters |
Cũng trong ngày 9/4, nữ thủ tướng Anh đã lên đường tới Paris và Berlin để thuyết các lãnh đạo EU phê chuẩn nỗ lực trì hoãn Brexit mới nhất.
Sau khi kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon năm 2017, Anh ban đầu dự định rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, nhưng các nhà lập pháp nước này vẫn chưa phê chuẩn thủ tục cuối cùng do tiếp tục chia rẽ về những điều khoản của quá trình "ly hôn". Thủ tướng May đã cam kết sẽ từ chức nếu thỏa thuận của bà được thông qua, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán khủng hoảng với Công đảng đối lập nhằm cố gắng tìm ra cách tháo gỡ thế bế tắc hiện tại.
Áp lực tiếp tục gia tăng khi các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu dự kiện diễn ra vào cuối tháng sau. Nếu Anh vẫn là thành viên EU vào thời điểm đó, nước này sẽ có nghĩa vụ pháp lý phải tham gia cuộc bầu cử này.
Theo báo RT, trong một bức thư gửi các thành viên của 27 nước EU còn lại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kiến nghị cân nhắc đề xuất trì hoãn Brexit đến cuối tháng 6 của bà May tại một cuộc họp khẩn của họ trong ngày hôm nay, 10/4 nhằm chống lại nguy cơ Brexit không có thỏa thuận. Ông Tusk cũng đề xuất gia hạn quá trình Anh "ly hôn" EU lâu hơn nhưng không quá 1 năm.
Tuấn Anh