"Kế hoạch mà chúng ta đang được chứng kiến có thể trở thành cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945, nếu xét về quy mô tổng quan”, Thủ tướng Boris Johnson nói trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm nay (20/2), khi đề cập tới đợt điều chuyển lực lượng Nga gần biên giới với Ukraina. “Mọi dấu hiệu đều cho thấy kế hoạch này có thể đã bắt đầu”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Sky News |
Bình luận của ông Johnson tương đồng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người trước đó cũng từng nói rằng nếu kịch bản Nga "động binh" xảy ra, nó sẽ là "cuộc chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II".
Phát biểu trên được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh hôm 17/2 công bố bản đồ 7 hướng mà nước này cáo buộc quân đội Nga có thể dùng để tấn công vào Ukraina ở bất cứ thời điểm nào.
Bản đồ này được công bố một giờ sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss bày tỏ quan ngại trước các báo cáo rằng những động thái gây hấn của Nga đang tăng lên.
Tổng thống Biden họp với Hội đồng An ninh Quốc gia về vấn đề Ukraina
Tối ngày 19/2 (giờ Mỹ), một thông báo từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia trong hôm nay (20/2) để thảo luận về tình hình ở Ukraina.
"Tổng thống Biden đang tiếp tục theo dõi tình hình ở Ukraina, và được đội ngũ an ninh quốc gia của ông cập nhật thường xuyên về các diễn biến trên thực địa", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong thông báo. "Các thành viên hội đồng đều tái khẳng định Nga có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào Ukraina bất cứ lúc nào".
Tuyên bố cũng cho biết, ông Biden đã được thông báo vắn tắt về các cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Kamala Harris với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cùng lãnh đạo các nước châu Âu khác trong hôm 19/2. Tại cuộc gặp với Phó Tổng thống Harris, Tổng thống Zelensky đã cảm ơn Mỹ về những gói viện trợ quân sự trong thời gian gần đây.
Việc triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ diễn ra khi các quan chức phương Tây ước tính có tới 190.000 binh lính Nga tập trung gần biên giới Ukraina.
Nga từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc từ phương Tây rằng họ có kế hoạch hành động quân sự chống lại Ukraina, và cáo buộc NATO đang "thổi phồng" tình hình. Moscow khẳng định, các động thái quân sự tại lãnh thổ của họ và Belarus nằm trong các hoạt động tập trận định kỳ.
Tuần qua, Nga cũng thông báo rút bớt quân ở các khu vực gần biên giới với Ukraina sau khi hoàn thành các cuộc tập trận. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh tỏ ra hoài nghi với thông tin này, và vẫn cáo buộc Nga đang có kế hoạch động binh với quốc gia láng giềng.
>>> Xem thêm tình hình chiến sự tại Ukraine hiện nay
Việt Anh
Xem uy lực dàn vũ khí Nga tập trận hạt nhân
Nga tổ chức cuộc tập trận hạt nhân với sự tham gia của dàn vũ khí 'khủng', trong bối cảnh căng thẳng với Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Liên quân do Nga đứng đầu có thể đến miền đông Ukraina
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cho biết liên minh quân sự này có thể đưa lực lượng tới miền đông Ukraina nếu được quốc tế đồng thuận.