Ảnh: The Guardian |
Theo hãng tin Reuters, cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Nga và phương Tây vừa đấu khẩu gay gắt về Ukraina tại Liên Hợp Quốc.
Anh thúc giục Tổng thống Putin "lùi một bước khỏi miệng vực" sau khi Nga tăng cường quân đội gần Ukraina và làm dấy lên lo ngại về chiến tranh, đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động xâm nhập nào cũng sẽ kích hoạt trừng phạt đối với các công ty, những người thân cận với Kremlin. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, dự kiến luật sẽ trao cho London những quyền lực mới để nhắm vào các công ty có liên quan tới Nga.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov gọi cảnh báo của London là rất đáng lo ngại và cho rằng điều đó làm cho Anh kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và sẽ gây tổn hại cho các công ty của nước này.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (31/1), Nga đã cáo buộc phương Tây gây căng thẳng về vấn đề Ukraina và tuyên bố Mỹ đã đưa "Đức Quốc xã thuần túy" lên nắm quyền ở Kiev.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã phản pháo rằng lực lượng quân sự ngày càng tăng của Nga dọc biên giới Ukraina là "đợt huy động quân lớn nhất" ở châu Âu trong nhiều thập niên.
Các cuộc trao đổi gay gắt ở Hội đồng Bảo an diễn ra khi Moscow thất bại trong nỗ lực ngăn chặn cuộc tham vấn đặc biệt bàn về tình hình Ukraina theo đề nghị từ Mỹ và phản ánh khoảng cách giữa hai cường quốc hạt nhân. Đây là phiên họp mở đầu tiên mà tất cả các nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng Ukraina lên tiếng công khai, dù cơ quan quyền lực nhất của LHQ không có hành động nào.
Vài giờ sau, chính phủ Nga đã gửi văn bản phản hồi đề xuất của Mỹ nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng, ba quan chức chính quyền của Tổng thống Biden nói. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cho biết chi tiết phản hồi của Nga và cho hay, nó sẽ không hiệu quả nếu thương lượng trước công chúng.
Dù có nhiều hoạt động ngoại giao cấp cao hơn nữa dự kiến diễn ra trong tuần, nhưng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga cho tới giờ vẫn chưa thể xoa dịu căng thẳng trong cuộc khủng hoảng và phương Tây vẫn cho rằng Moscow đang chuẩn bị xâm chiếm Ukraina. Nga vẫn luôn bác bỏ thông tin nước này định tấn công Ukraina.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước ông và tìm kiếm một ví dụ điển hình về ngoại giao phát thanh.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Thomas-Greenfield phản bác rằng Mỹ đã tiến hành hơn 100 cuộc gặp riêng trong vài tuần qua với các quan chức Nga và châu Âu, Ukraina, và giờ là lúc để thảo luận mọi việc công khai.
Sau khi phiên thảo luận mở kết thúc, Nhà Trắng một lần nữa lên tiếng kêu gọi Nga giải quyết bất đồng qua con đường ngoại giao. Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục can dự thiện chí nếu như Nga thực lòng muốn xử lý quan ngại an ninh qua đối thoại. Nhưng nếu lựa chọn can dự quân sự ở Ukraina, Nga sẽ phải gánh chịu những đòn trừng phạt, trả đũa mạnh mẽ.
Theo kế hoạch, hôm nay (1/2) Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc điện đàm, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thăm Ukraina để hội đàm với người đứng đầu nước này và sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Putin.
>>> Tình hình căng thẳng tại Ukraina
Hoài Linh
NATO không đưa quân tới Ukraina, LHQ cảnh báo hậu quả khủng hoảng
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, liên minh không có kế hoạch triển khai lính chiến tới Ukraina ngay cả trong trường hợp quốc gia này bị tấn công.